Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Những Noel thời trẻ

Đêm 24-12. Bây giờ là 18g45. Trên kênh VTV3 đang tải những hình ảnh giáng sinh, những ông già Noel râu trắng, áo đỏ, những xe tuần lộc và tuyết rơi trắng màn hình.

Ta ngồi trong một căn phòng tầng 2 khu chung cư Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) với gia đình - vợ và con gái Lan Nhã. Linh Thoại đi làm chưa về. Nam Quốc ở Buôn Mê Thuột với gia đình. 

Đêm giáng sinh, nhớ lại thời trẻ trước 1975 không vướng bận mọi hệ lụy cuộc đời, không quan tâm nhà cửa áo cơm, chỉ có bè bạn và những hẹn hò vui chơi. Đêm giáng sinh vứt bỏ tất cả những suy tư ray rứt, những dằn vặt chán chường của tuổi trẻ với chiến tranh...để chảy theo dòng người chật cứng trên đường Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ...

Đêm Noel với Tiêu Kính, Chín, Mười, Hồng (Chàng Âu) lang thang, cuối cùng về nhà anh Thân ở cư xá Trương Minh Giảng, đúng 0g Réveillon, và ồn ào... 

Noel với Yên Đài (nhà thơ) và Nguyễn Tôn Nhan, gặp và đi cùng Hồi, Tuyết và Nguyệt – nữ sinh Trưng Vương – trên đường Lê Lợi, hẹn gặp chặng cuối ở nhà thờ Đức Bà. Vừa xoay qua thì Yên Đài đã đưa Tuyết mất hút giữa dòng người. Tôn Nhan đi với Nguyệt. Ta dắt Hồi đi lẹ, ngó lại vẫn thấy Tôn Nhan đi cận. Hồi đẩy Nguyệt ra. Chốc chốc ngoảnh lại vẫn thấy cô cậu đi bên...Cuối cùng họp mặt nhà thờ Đức Bà.

Lúc sắp chia tay mới hỏi Tôn Nhan : Sao cậu không « lặn » mà theo sát vậy ? NT Nhan nói : Trong túi tớ không có một đồng, còn cách nào khác...Cười. 

Một đêm Noel khác với NT Nhan và  Nguyễn Nho Nhượng (nhà thơ) gặp Yến, Hân, Huệ. Cả ba thằng đều không có nhiều tiền. Ba cô bé thì thầm bằng tiếng Quảng Đông, chắc là dân Chợ Lớn. Ba cô định đi ăn. Ta nói nhỏ với Nhan, thế là nhà Hán học tương lai đưa vào cafe Hà Nội. Anh tiếp viên đưa xấp giấy và cây bút. Nhan chia xấp giấy làm 3. Nhan cầm bút không ghi thức uống mà vẽ cô đối diện. Ta cũng vẽ, nhìn sang Nho Nhượng cũng vẽ. Nhan trường phái ấn tượng, với cái sừng trên tóc tượng trưng trong sáng và thông minh, khó hiểu. Ta tự nhiên theo ngẫu hứng. Chỉ Nhượng hiện thực. Nên các bé « ồ, giống quá ! ». Rồi cô nào cũng xin và đề nghị ghi tặng.

Noel với Nguyễn Chí Cao và Cao Doản (cùng trong tờ Hoa Đất Việt), Nguyễn Chí Cao cứ lẽo đẽo theo 3 cô bé tán hoài. Ta và Cao Doản theo sau, cứ thế.. .hết 3 cô này đến 3 cô khác. Thỉnh thoảng Cao thúc lên, ngừng lại chửi thề: Hai thằng mày lên tán mới được chứ, cứ theo sau cười hô hố, mình tao đứa nào theo... 

Những Noel 73, 74 với Phạm Duy Hưng, hẹn nhau vài thằng bạn lính, phòng trà Queen Bee của Khánh Ly. Nơi này thì bổn phận Hưng đặt bàn trước, từ đơn vị dù về, gặp nhau phá phách, ồn ào ...Ca sĩ amateur (tài tử) khá đông. Bài thịnh hành nhất vẫn là Kỷ vật cho em. Cũng bản nhạc này có lần một anh lính bụi bặm, đẹp trai, cụt chân chống nạn lên ca...Ấn tượng và được vỗ tay nhiều.

Những Noel thời trẻ trong chiến tranh chỉ có vậy. Rồi đường ai nấy đi, mất hút vào các địa danh của một thời, sau cái bắt tay và hẹn còn sống hay chưa lang thang trên mặt trăng sẽ gặp lại.

Thôi, ba ngưng đây. Con gái về, khệ nệ với các món ăn nửa đêm.
Điện thoại reo. Từ Nha Trang Tiến gọi chúc mừng giáng sinh. Buôn Mê Thuột Nam Quốc gọi về.
Đêm giáng sinh cả nhà vui vẻ.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Anh Lưu Quý Kỳ

Không nhớ rõ thời thơ ấu sống cùng anh bao lâu, trong ngôi nhà là tiệm thuốc bắc của cậu bên chợ Quảng Huế. Ngôi nhà có căn gác gỗ. Bên phải là chiếc bàn cao hình chữ L, chiếc tủ đứng rất nhiều ngăn kéo, rất nhiều tiềm và thẩu, tất cả vật đựngbên trong là thuốc bắc: sâm, linh, truật, thảo, trần bì, kiết cánh, táo tàu, nhãn nhục. Bên trái là hàng tạp hóa của mợ…

 

Anh Lưu Quý Kỳ là họa sĩ, cả truyền thần. Bởi thuở bé, tôi đã nhìn thấy trong tranh anh một chị người dân tộc, với gùi trên lưng, ống vố trên môi, phì phà khói thuốc lang thang khu chợ Quảng Huế. Hôm đó anh lên gác bảo tôi và Dũng đi xuống. Sau đó chúng tôi len lén lên, thì anh đã vẽ xong, bằng chì than, trên cỡ giấy 50x60 cm: cô gái thượng mang gùi, ngực trần, ngậm ống vố. Dũng nói: giống y chang, Ngọc nhỉ!

 

Rồi anh đi. Vài lần ghé về nhà với chiếc ô tô đen, bốn chỗ ngồi. Rồi anh đi suốt 30 năm. Sau giải phóng 1975, tôi mới gặp lại anh trong ngôi nhà ở đường Điện Biên Phủ.

 

Nghĩ đến anh, tôi nhớ bán nguyệt san Phổ thông của Nguyễn Vỹ. Bài báo “Người tù 79” (ở Trà Khê) viết về Lưu Quý Kỳ  - người tù số (…) là một đảng viên cộng sản, một họa sĩ,  một nhà báo, một thi sĩ, một thợ máy sửa ô tô…Và nhớ một lần chúng tôi đến chơi với anh Bùi Giáng (dân sống Trung Phước mà). Hôm đó chúng tôi đọc Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Anh Bùi Giáng hỏi: Chúng mày biết mấy người làm thơ về đèo Ngang? Hai. Không, ba: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, người thứ ba là Lưu Quý Kỳ, với bài Chị cán bộ Quảng Bình:

 

Tôi trên dốc Ba Rền xuống
Chị dưới dốc Ba Rền lên
Tình cờ gặp gỡ đôi bên
Một chiều mưa lạnh mông mênh núi rừng.

Chị đi chân bước ngập ngừng

Nẻo đường gai góc chập chùng đá cây

Chị ơi!...

 

Anh còn có cái duyên độc đáo của nhà diễn thuyết. Lôi cuốn, hấp dẫn và cảm tình.

 

Rồi một ngày của năm 1982, trời Phan Thiết âm u, nhàn nhạt, tôi nghe tin anh mất ở Thái Lan từ Đài Phát thanh Hà Nội.

 

Anh đi trong giai đoạn người em này khá chật vật. Không có tiền cho một cuốc xe từ Phan vào Sài Gòn, nói gì đến Quảng Nam, Hà Nội.

 

Vĩnh biệt anh.

 

Em cũng vừa đọc lại Ba mươi năm đó bây giờ là đây.

                                         

TB: Viết nhân Lưu Đình Triều – con trai anh vừa cho in tập sách Lưu Quý Kỳ - người nghệ sĩ tài ba độc đáo.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Vẫn có đó

 

Vẫn có đó

 

Vẫn có đó rừng chiều rung tiếng gió

Hoa ngọc lan ngào ngạt với thời gian

Mây bay về tan tác bạc gió ngàn

Năm tháng cũ tàn phai theo màu tóc

Ta vẫn có những chiều hoang biền biệt

Cuộc thăng trầm trời đất mãi miết trôi

Chim về đâu mỏi cánh cuối chân trời

Đành khép lại ước mơ thời quá vãng

Em cứ đến cứ đi đầy lãng mạn

Ta giật mình râu tóc nhuốm chua cay

Vẫn có đó những chiều gió heo may

Vàng lá rụng bên cuộc đời du tử

Vẫn có đó ta ngồi nhìn tư lự

Anh hùng xưa hào khí vẫn còn vang.

 

Nam Chương - 25 - 10 / 09

Mùa thu chạm nhẹ

 

Có đàn chim sẻ bay về

Tường rêu ngói tím tứ bề nắng vương

Líu lo chim hót rộn rang

Suối reo thác đổ lá vàng rơi rơi

Mùa thu chạm nhẹ cuộc đời

Vàng phai năm tháng với người thâm niên

Xa rồi những nỗi buồn phiền

Đi về rộn rã triền miên tiếng cười

A ha đất chín trời mười

Non xanh lá biếc tươi vui dặm chiều

Ta còn đầy ắp thương yêu

Thênh thang với những mỹ miều tình ca

DakLak – 10 / 2009

Vọng miền Trung

 

Chiều buông mưa xám góc trời

Xót đau tan tác buồn rơi núi rừng

Vọng từ bão lũ miền Trung

Quê hương ta đó nghìn trùng lầm than

Em về tha thiết Điện Bàn

Tam Kỳ hứng chịu bàng hoàng đắng cay

Thăng Bình nhìn xuống từng ngày

Mỹ Hòa trở gió trắng tay phận người

Tâm hồn bé nhỏ em ơi

Phơi từng trang vở vững lời tương lai

Cuộc đời sao lắm chông gai

Chất chồng khổ ải đến chai kiếp người

Mỗi năm bão lũ tơi bời

Vọng về Trung với muôn lời yêu thương

DakLak 10 – 2009

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Ngược lên nguồn

Sông Thu Bồn dài 200km, từ trên cao 2500m. Tý, Xé, Dùi Chiên chảy về Hội An, Cửa Đại rồi hòa mình vào biển Đông. Đến Vĩnh Điện, dòng song đã tạo nên gò nổi – là làng Bảo An, nơi sản sinh nhiều bật kỳ tài: Phạm Phú Thứ, Phan Khôi, Nguyễn Thị Bình…

 

Từ Hội An, chúng tôi lên Vĩnh Điện theo Quốc lộ 1 qua cầu Câu Lâu, đến Thăng Bình, rẻ phải viếng Mỹ Sơn. Bỏ Quốc lộ 1 lên Quế Sơn, qua khỏi chợ Quế Sơn, vượt đèo xe độ 8km, bên kia chân đèo là Tây Viên. Nơi đây có suối nước nóng, từ ngoài xa, nước đã ấm lên, càng vào gần càng nóng. Hình như vùng đất có quá nhiều lưu huỳnh, nên nước suối có thể luộc chin trứng gà.

 

Anh Đạo và Diệu hướng dẫn tôi và anh nhiếp ảnh – điểm hẹn: Trung Phước. Nơi đây không còn dấu vết ngôi nhà thời thơ ấu mà mùa xuân năm 1952 đã bị máy bay Pháp đánh bom tan tành. Bên kia sông là Đại Bình, còn gọi là Đại Bường. Một làng như hòn đảo thanh bình, không có vết tích chiến tranh. Người dân chỉ di chuyển bằng đò dọc, đò ngang trên song Thu Bồn. Người dân Đại Bình có truyền thống, đi đâu cũng mang về một loại cây ăn trái để gây giống, nên làng có nhiều loại cây, từ măng cụt, khóm, thanh trà, bòn bon, nhãn, cam, quýt…

 

Tuổi thơ những năm tiểu học ở đây với những người bạn nhỏ tuổi nhất ở lớp nhất, bởi chúng tôi ngồi chung lớp với mấy anh chị 18 ~ 20 tuổi. Những cậu bé Bùi Như Sơn, Bùi Anh Hùng, Như Hải, Phan Ngọc, Lưu Quý Dũng ồn ào, phá phách… Nhưng những cậu bé thành đạt sau này như: Hải – bác sĩ bệnh viện Cộng Hòa Sài Gòn, Sơn – phó tỉnh trưởng Mỹ Tho, Ngọc – giáo sư Trần Quý Cáp - Hội An, Dũng – kỹ sư mỏ than Nông Sơn…

 

Vùng Đại Bình – Trung Phước cũng có võ sĩ Hồ Cưu, Hồ Cập, Trần Thế Kỷ. Cái thú của Hồ Cưu là nhiều đêm bơi trên song Thu Bồn từ Phú Gia về Trung Phước, từng đánh bắt loại động vật khổng lồ: Trành (họ hang ba ba, rùa, vít), nghe núi nặng cả 500 ~ 600kg như bộ phản. Anh gặp tai nạn và chết trên dòng sông Thu Bồn. Trần Thế Kỷ đã từng lên võ đài và hạ võ sĩ Tây ở Đà Nẵng. Ở Bảo An anh đã bị lính huyện bắt, quan huyện hỏi họ tên – trả lời: Trần D.M ông, rồi tung chạy, lội qua sông Thu Bồn, mất hút.

 

Từ Trung Phước lên Cà Tang, nơi đây có nhà thờ Tường Linh, bên kia song Cà Tang là mỏ than Nông Sơn, lên Phú Gia. Qua khơi Phú Gia, con thuyền bắt đầu chòng chành, xiêu xiêu đe dọa, con sông bắt đầu hẹp dần và ghềnh đá hiểm trở hơn đầy thách thức, núi non huyền bí, nhiều đoạn sông như thác đổ.

 

Đến Hòn Kẽm, Đá Dừng như bước vào hang động thiên nhiên. Giã từ vô vàn ghềnh thác chao đảo hiểm nguy, như bước vào cửa ngỏ của sự an toàn.

 

Tý, Xé có ngôi nhà cổ tư sản, có hai chị em, người chị đài các như một tiểu thư, người em là cậu tú chơi violon.

 

Người nhiếp ảnh đi với chúng tôi là nhạc sĩ L.X, gọi nhạc sĩ La Hối (tác giả Xuân và Tuổi trẻ) bằng chú, nên thao thao về âm nhạc. Chúng tôi là dân thành phố nên được chiêu đãi khoai lang, khoai mì, trà sữa, café. Trên tủ sách còn có những tờ báo Văn hóa ngày nay, Tân phong, Sáng tạo và những quyển sách như Khung cửa hẹp, Hòa âm điền dã, Dịch hạch do Vũ Đình Lưu, Bùi Giáng dịch và những tác phẩm của Hermann Hesse, Jean Paul Sartre, Dương Nghiễm Mẫu, những tập nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng.

 

Nơi đây có bốn câu ca mà vài tờ báo đã in sai một từ:

Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ huê thì đừng

 

Vài tờ báo đã in sai: nhớ quê thì đừng. Nhớ quê thì không còn nghĩa. Thương cha nhớ mẹ thì về, cha mẹ ở đâu mà nhớ quê thì đừng, nhớ huê mới đúng.

 

.......................

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Bích Ngân

… “Trái đất này là của chúng mình”

 

Em còn nhớ lời ca đó không?

Chúng ta là con người, con người bé nhỏ giữa vũ trụ bao la. Chúng ta cam chịu một hệ lụy thiên nhiên, phục tùng mọi đưa đẩy của thời cuộc, của không gian. Với em, anh nhìn ra còn biết bao nhiêu ưu ái. Quê hương xa cách nghìn trùng, nhưng dù sao thỉnh thoảng em còn họp mặt đại gia đình…

 

Còn anh, anh chỉ là kẻ cùng đinh, lạ mặt ngay trên quê hương cha mẹ anh em mình. Anh đi như kẻ mộng du trên đường phố Sài Gòn. Đà Nẵng anh không nhìn ra lối về. Còn Hội An, sao mà lạc lõng, sao mà xa lạ. Có một đêm bên bờ sông Hoài, đứng giữa những người cao to, anh thầm nghĩ: quê hương nào đây. Nó thênh thang chứ không loanh quanh chật hẹp những con phố ngày xưa. Con đường Hoàng Diệu rợp bóng cây cùng sân tennis cũng bốc hơi, không còn. Tìm đâu ra những gánh “lục tàu xá” vuông vuông gỗ cũ; gánh “mì Quảng” để ngồi xuống lề đường, cả bọn ăn vui vẻ, ngon lành, đúng là mì Quảng; “lường phảnh” buổi trưa; bánh mì chả buổi sáng; gánh cơm gà ông Quên buổi tối.

 

Hội An đã biến thể, lạ lẫm làm sao. Hội An được giữ lại những mái ngói âm dương đen, những tường rêu phong mốc thếch. Một khối áp a gượng ép, chắp vá. Hội An của thời thượng, chứ không còn phố cổ. Mấy ngôi chùa được tu bổ khang trang để chào mời du khách.

 

Anh bỗng nhớ một chiều xưa… Sài Gòn có mưa. Em, Ngọc và Jacqueline chạy tạc vào hàng hiên Kim Sơn. Nhìn quanh quất tìm anh vì nghĩ buổi chiều anh vẫn thường ngồi đây. Có cái ống vố đen, sần sùi tẩu thẳng, gói thuốc Seventy- nine trên một chiếc bàn. Anh từ bên trong bước ra, ngạc nhiên khi trông thấy em. Bảo vào trong thì không chịu, bảo sang Brodard, vì “ở đây em sợ”. Còn nhớ em nói: Thiên hạ nhìn quá. Em và Ngọc con nít, thiên hạ nhìn Jacqueline đấy… Mà Jacqueline cũng con nít, bao giờ chính thức bước vào giảng đường đại học, mới tạm gọi là lớn, là bạn tri thức… Mỗi anh là lớn, là già cả nghìn tuổi hơn những cụ già.

 

Mà thôi, bây giờ cả năm anh không đi bộ trên lề đường Lê Lợi, Tự Do. Rất xa lạ cả những mùa Noel. Dù anh đang ở Cư xa Đô Thành hay quận Bình Thạnh.

Anh – ông nhà quê xuống tỉnh.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Có gì đâu

16 - 07 / 2009

Không biết Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, ai nói: sinh - lão - bệnh - tử.

Còn Nikos Kazantzakis thì: Con người bắt đầu từ một hố thẳm - đó là tử cung, trên đường đi đến một hố thẳm khác - đó là đáy huyệt. Bổn phận của ngươi là lên đường đi đến hố thẳm một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.

Ta lạc quan, vui vẻ, bình thản với sự sống và cái chết. Ta biết những biến chuyển trong người, tin sức khỏe mình, dù thỉnh thoảng có mệt, huyết áp không ổn. Bởi tuổi già làm sao tránh những bất thường mưa nắng thời tiết. Ta không mấy ưa bác sĩ và bệnh viện. Đã hai lần khám tổng quát ở cơ quan con gái, lần vừa rồi kết quả có chút sương mù: hở van tim hai lá ¾, hở động mạch vành 2/4, xơ động mạch vành, thiếu máu cục bộ. Cả nhà lo lắng, ta thỉnh thoảng nói: Có gì đâu.

Ngày hôm sau, con gái chở đến ngài viện phó viện tim…Buổi chiều trời lất phất mưa mà sau đông thế. Ít nhất 40 bệnh nhân đứng ngồi chờ đến lượt mình… Dù được giới thiệu, hai bố con chờ, không vượt đèn đỏ. 40 phút sau vào phòng, được nằm dài trên giường nhỏ, có quạt trên đầu. 15 phút vẫn chưa thấy ai, ta có cảm tưởng bị bỏ quên, định ngủ một giấc, thì vị bác sĩ bước vào, đeo ống nghe, kéo áo, ấn hai cái vào ngực, bảo ngồi dậy, vén áo, ấn một cái vào lưng. Ra ngoài chờ lấy toa…

Bác sĩ hỏi đúng hai câu: Ở quận nào? Có hút thuốc không?

Ra phòng sau, ngồi chờ thật lâu, chả ai hỏi gì, đành bước đến hỏi cô y tá, được trả lời: Chờ lấy thuốc. Mình bảo không mang tiền mua thuốc, cô y tá lên lầu, chốc sau mang toa xuống đưa và bảo: 170 ngàn tiền khám.  Bây giờ ta mới biết các bệnh nhân trung niên chờ đã nói đùa: khám sao thì 170 ngàn, thường thì 120 ngàn.

Con trai từ cao nguyên liên tục gọi về… Dâu rồi đứa cháu nội 6 tuổi… Ta cười bảo – Có gì đâu. Mà thật, có gì đâu, khỏe re mà. Các con vẫn điệp khúc – ba phải uống thuốc đấy, đừng xem thường.

Đêm – con gái mang thuốc về. Ừ, ta đồng ý với ngài bác sĩ, chỉ có hai thứ thuốc, trưa một viên, chiều một viên, trừ thuốc huyết áp. Ít ngày sau đi chụp và tái khám. Chờ xem.

Không có gì đâu, thời gian vẫn trôi, dĩ vãng đã xa – hiện tại đang có và tương lai ai mà biết. Cứ thoải mái sống và vui vẻ, thông cảm và yêu thương.

Con trai từ xa gọi về, ba phải theo bằng ngài "Đại Võ", bởi còn bao nhiêu chuyện... Ba cười (có tham lam không), và bỗng nhớ lần gặp lãng tử Hà-pa-rê ở Hội An. Hà-pa-rê nhìn mặt và phán một câu: Mi sống 92 tuổi. Lại cười. Làm sao tin. Nhưng trong lòng cũng nghe thú vị. Bởi thời chiến tranh không sợ chết, bây giờ thì khác. Một thời quan niệm - sống không tham, chết không hèn. Còn bây giờ thì hèn quá rồi...

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Có một thời như thế

Tặng Văn Tiến (Nha Trang)

Một thuở nào xưa lũ chúng ta

Đã từng xuống biển lại lên rừng

Đã từng ngồi đếm từng cơn đói

Mà hết ngày qua đến rưng rưng

 

Một thuở nào xưa lũ chúng ta

Làm than đốn củi sống qua ngày

Than củi nhà quê không bán được

Thuở bán mồ hôi cũng chua cay

 

Một thuở nào xưa lũ chúng ta

Còng lưng gánh đất gánh lo âu

Mồ hôi mặn đắng nghìn ray rứt

Dằn vặt dài theo những hận sầu

 

Một thuở nào xưa lũ chúng ta

Chống cuốc nhìn trời vắt mồ hôi

Bình Ty sao mà xa lạ quá

Chả nhẽ một thời gục đây thôi

 

Ha ha một thuở vàng rêu cỏ

Xa cả quê nhà rũ âu lo

Mà sao người vẫn hoài dong duỗi

Vật lộn từng ngày với ấm no

 

Tháng 5 - 2009

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

Anh Tân

Anh Tân

Sài Gòn mấy hôm nay có mưa trái mùa và không gian màu xám. Hà Nội hẵn lạnh và còn vươn vất sắc mùa Xuân.

Anh đi sau Tết Nguyên Tiêu. Em buồn thì làm sao chia buồn với chị Hạnh và Dũng. Em buồn như chị Hạnh và Dũng buồn. Em phải chia buồn với chị Bốn, nhưng em không vì không có số điện thoại.

Anh đi trong thao thức Trường Sa, trong xót xa bô-xít, trong vọng tháng 2/1979. Anh đi như khước từ, như ngoảnh mặt với thế hệ cháu con.

Có một thời ở Quảng Huế, thỉnh thoảng anh về nhà, thời em bắt đầu đi học abc với thầy Xuân, thời của “Mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng, núi cây rừng…” Em cũng không rõ thời gian về nhà bao lâu, nhưng em nhớ mỗi lần từ trên lầu bước xuống, gặp là anh vuốt mũi em. Trong mỗi bữa cơm, anh bắt em ăn rau, sau bữa cơm không biết anh có đánh em không… Nhưng rồi biền biệt, anh em đã đánh nhau ròng rã 30 năm, mà anh cả đã viết: “30 năm đó bây giờ là đây.”

Sau 30 năm chỉ gặp anh vài lần ở 57 Cư xá Đô Thành. Câu đầu tiên anh nói: “Chú Năm cao thế này, sao mày lùn thế.” Anh em nói nhiều, mà em chỉ nhớ một câu: “Em cà chớn lắm hả?” Em không hiểu sao anh hỏi vậy. Vấn đề gì? Những thông tin về em ra sao? Lang thang, đi lính, trốn lính, rồi đi lính… Chuyện 5,6 chị TR hay chuyện những cô gái đến 57 làm cậu phiền, chị T bực. Không. Em không có gì cà chớn, sống lịch sự, đàng hoàng, không bao giờ vượt biên giới, cái biên giới của niềm lưỡng lự vô biên trong tâm hồn các cô gái… Và cả sau đó là lính: từng trải hơn, hiểu biết hơn, bạo dạn hơn và chững chạc hơn.

Lần cuối gặp anh trong bữa tiệc nhỏ, cũng 57, lần đó có Đình Triều, Hương, chồng T. Hà và ai đó tóc tóc bạc, độc đáo đấy… Rồi thôi, Hà Nội – Sài Gòn… điện thọai.

Vĩnh biệt anh.

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

Mùa Xuân

Ồ! Một mùa xuân nữa lại về. Nó về trong cái buổi cuối đường nắng xế.

Một mùa xuân nữa lại về. Nó về trong long lanh đầy đủ thảnh thơi.

Cũng một mùa xuân như năm nay, năm xưa… khi tàn đông se lạnh, gió xuân lay vội lá rôi vàng, trong ta biết bao nhiêu là âu lo, trăn trở, biết bao nhiêu là thao thức suy tư.

Cũng một mùa xuân như năm nay, năm xưa…mái lá mong manh xiêu vẹo, tâm hồn xao xác, đôi tay chai sần với canh cánh bên lòng, cơm áo tình thương.

Cũng một mùa xuân như năm nay, năm xưa … cay đắng cuộc đời, tha nhân đầy đọa mà ước mơ chỉ là những bữa cơm thanh đạm, giấc ngủ yên bình, bé con được cắp sách đến trường.

Cũng một mùa xuân như năm nay, năm xưa… đã vời vợi, xa cách mịt mù…Hãy xem như cát bụi, phù du, mất hút từ một khúc quành, tăm tối.

Cũng một mùa xuân như năm nay, năm xưa …vời vợi, lang thang khắp chốn.

Và… mùa xuân này, lãng quên tất cả. Bước vào trong ấm cúng gia đình.

Và…mùa xuân năm nay đã trở lại Sài Gòn 5 năm, mà ngày đầu chị Hạnh nói: “Châu về hiệp phố”.

Và mùa xuân năm nay tàn tạ 73 mới có được 5 mùa những mai đào phơi sắc, mới nhìn lại Nguyễn Huệ hoa xuân, hoành tráng hơn, nghệ thuật và phong cách hơn.

Có những mùa xuân ta đã đi từ đêm tới ngày, trong niềm tự tin nơi lòng thương mới con người.

Và mùa xuân năm nay, cuối đường tự tại. Ta mỉm cười và thầm nói: sung sướng thay hôm nay ta là ta, chứ không phải hồn Trương Ba da hàng thịt.