Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

"Giữ gìn sông núi cháu con ơi"

Những người ông xưa đã chết rồi

Chết vì già yếu chết mà thôi

Nhưng mà sự nghiệp thì không chết

Để tiếng ngàn sau khắp nẻo đời

Tôi nhớ ông tôi nhớ vô cùng

Tình thương vạn dặm trải mông lung

Nhớ thương đâu kể tình quen biết

Mà nhớ mà thương nghiệp anh hùng

Ông tôi của lắm lại tiền nhiều

Không lòng cống mãi cảnh đìu hiu

Lam Sơn dấy nghĩa trừ Minh đó

Lê Lợi anh hùng biết bao nhiêu.

Ông tôi lẫm liệt oai làm sao

Đại phá quân Nguyên một buổi nào

Trăng nước Bạch Đằng ghi nhớ mãi

Bóng Trần Quốc Tuấn thuở binh đao

Ông tôi áo vải thời xa xôi

Từ đất Tây Sơn dựng nghiệp đời

Đống Đa một sớm quân Thanh khiếp

Chí khí Quang Trung thuở binh thời.

Ông tôi lấp biển lại vá trời

Cho đời con cháu sống thảnh thơi

Mà lúc lâm chung còn trối lại:

"Giữ gìn sông núi cháu con ơi!"

Papa không nhớ của ai, nhưng là những khổ thơ đã từng ru các con ngày nhỏ.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

Viết cho chị

Hội An mùa lũ - photo by Nam Chương

Em về chị đã nằm yên

Thênh thang nỗi nhớ, ưu phiền xanh xao

Ngày về cay đôi mắt

Hội An mưa, nước lụt dâng tràn

Đường dạt dào, phố xá tan hoang

Cây ủ rũ ngày chị đi biền biệt

Em đếm bước trên phố xưa lạ lẫm

Nghe cay lòng, nghe đắng chát trên môi

Biết nói chi khi đã quá xa rồi

Bốn năm dài trên xe lăn trước cửa

Đếm người qua khuôn viên ngôi chùa cổ

Lặng lẽ cô đơn chị ngồi buồn bã

Em xót xa những lần về phố

Thương chị mình thương cả những lao đao

Ngày về không một lời chào

Thôi vĩnh biệt chị đi về thăm thẳm.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

Nhã Tâm - Nam Khương

Ông đang ngồi giữa Sài Gòn và đang hình dung trên những con đường lên cao nguyên, Đà Lạt, Kontum, Pleyku và Ban Ma Thuột…đang rực vàng màu hoa dã quí.

Hoa không báo mùa hè của phượng, không báo mùa xuân của mai, không báo mùa thu của cúc, hoa đón cái ấm áp của mặt trời. Bởi cái gai gai lạnh đang ùa về trên quê hương hoa dã quì.

Ừ, cũng có thể hoa báo mùa đông, báo tiết tàn thu lập đông của bản sắc cao nguyên….

Bé cứ đứng trên sân khu nhà tập thể, nhìn con đường trước mặt xuôi triền nghiêng nghiêng xuống thung lũng. Hoa dã quì như đứng sắp hàng hai bên đường vàng rực, giữa màu xanh biếc của muôn cây cỏ. Hoa đứng thẳng, vươn cao, như thách thức, như tự hào giữa cái khô cằn sỏi đá của núi rừng. Gió có mạnh, sương có mù cũng chỉ làm rung rinh, nghiêng nghiêng, chao đảo, chứ không thể làm ngã quị hoa dã quì bao giờ.

Ừ, ông lại một lần nữa thất hứa với các bé rồi. Mùa hoa dã quì năm nay, ông nhớ, nhưng chưa đi được. Ông nhớ, nhưng vẫn hiện diện ở Sài Gòn, không về Hội An, không lên Dak Lak như đã hẹn với các bé.

Trời lập đông chưa nhỉ? Hoa dã quì đã vươn lên vàng rực giữa cao nguyên. Ông lại nhớ một dạo nắm tay Nhã Tâm dẫn đi lên con dốc từ quán cà phê “Suối Reo” về nhà hai bên đường hoa dã quì chao nghiêng vàng rực…

Thời gian qua đi. Các bé đã lớn…sẽ vươn cao, đứng thẳng như hoa dã quì bên biết bao bạn bè trang lứa.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2007

01.11 – ngày sinh của con gái út

Ngày mai là 1/11, sinh nhật con gái út. Con vẫn phải đi làm.

Năm nay ba chẳng có quà gì tặng con. Dự định quyển nhật ký thì vài trang dang dở, hoa thì ba chẳng bao giờ mua, bánh như bóng dáng amateur, nhà hàng thì ba là nhân vật ăn theo, không đề nghị, không nhìn menu, cay xu vẫn không là ba, có mẹ và hai chị em. Ít năm nào có anh Nam Quốc, chị Vy, Nhã Tâm và Nam Khương. Có anh Nam Quốc, nhà hàng sẽ ưu tiên cho ảnh.

Mới ngày nào con ra đời, ba lạch cạch xe đạp đi làm công nhân nước mắm. Ba là công nhân luôn bị khiển trách vì về sớm (bởi nhà không có ai), đi sớm thì không ai khiển trách cả. Bởi nhà ta không có được một chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ 2 cửa sồ, định bán cho mấy anh bộ đội, ai đó cũng nhẹ nhàng nâng mất.

Mới đó đã 27 năm. 27 năm biết bao là vật đổi sao dời, biết bao là tang thương, lụy phiền, biết bao là lo âu vật vã, biết bao buồn vui và đón nhận. 27 năm ước mơ phảng phất, 27 năm để đến bây giờ..

27 tuổi, lớn lắm rồi đấy chứ, mà sao ba vẫn tưởng như ngày nào bé tí. Ba vẫn lo trên mắt con buồn, trên môi con nhạt, trên bóng dáng lặng lẽ trong ngày. Ba vẫn lo những chiều về trễ, những con đường kẹt xe, say xăng, say khói, mệt mề…

Sinh nhật năm nay ba không có quà gì tặng con. Mẹ thì chiếc jupe không sành điệu, không à la mốt. Anh thì tặng con chiếc laptop, chị thì chưa biết tặng gì, hay chỉ bánh và hoa như mọi năm. 27 tuổi rồi, sao với ba con vẫn trẻ trung, trong sáng như cái tên ở nhà thường gọi từ bé – Mignol, vẫn say sưa với phim hoạt hình, với Harry Potter của J.K Rowling.

1 -11- 2007

Sáng nay, bầu trời trong xanh, mây trắng xóa, không ảnh hưởng chút mưa bão miền Trung như mấy ngày qua. Dù báo hôm nay vẫn người chết, trẻ trôi bởi lũ miền Trung.

Đêm qua, anh Nam Quốc, chị Vy cả bé Nhã Tâm nữa từ BMT gọi về “Chúc mừng Sinh Nhật”. Anh còn hỏi chuẩn bị gì. Con trả lời: “Già rồi, có gì mà chuẩn bị.” Anh nói: “Anh 31 tuổi mà còn chuẩn bị SN trước cả tuần.” Qua điện thoại, Nhã Tâm đã hát tặng cô một bản nhạc, còn méc với bà và cô chuyện Nam Khương nghịch lắm “mưa qua ải bắc”, ải bắc thì mưa chưa qua, mà ướt hết áo chị.

Sáng nay, hai chị em vẫn đi làm như thường lệ, con 7h,15, chị 8h. Sinh nhật Út, ba viết gì cho con đây nhỉ, già lẩn thẩn, ngôn ngữ cũng lụi tàn, nghĩ gì viết đó, không mạch lạc, không từ vựng. Chỉ mong muốn con vui như đã từng vui. Đừng như lần, ba buồn theo nỗi buồn của con.

Ngày Sinh nhật ba đã nhìn cái trong suốt của cánh chuồn chuồn kim, đã nghe tiếng reo thanh tao tươi vui của chuông gió, đã xem mọi thứ bạn bè gởi tặng…

01.11 – ngày sinh của Khỉ!

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

49 ngày của mẹ

* Bài mẹ viết từ cảm xúc của chị Anh khi dì Sáu mất

21 ngày của mẹ

Mẹ ơi!

Con đặt di ảnh của mẹ trước điện Phật đây, mẹ nhé!

Mẹ hãy ngước nhìn tôn dung Đức Thế Tôn nghe mẹ. Mẹ đã từng nói với con “chỉ cần nhìn tôn dung Đức Thế Tôn là lòng mẹ đã bình an” kia mà. Con đang quỳ sát bên di ảnh của mẹ, con sẽ đại vì mẹ để đảnh lễ Phật trong khi quý sư cô tụng kinh. Mẹ cũng phải về lạy Phật với con nghen mẹ. Đây là tuần thất thứ 3 của mẹ đấy mà. Thất thứ ba rồi sao? Mới đây thôi đã 21 ngày rồi sao? Sao lại tới 21 ngày kia chứ? Rõ ràng hơi ấm của mẹ vẫn còn vương lại ấm áp trong đôi tay con. Rõ ràng con vẫn vừa mới nghe đây thôi tiếng mẹ gọi con lấy thuốc. Rõ ràng mẹ mới vừa bảo con: “Không sao đâu con, thỉnh thoảng mẹ vẫn đau như thế. Mẹ vuốt ngực và niệm Phật một lúc là hết đau ngay mà!”

Và mẹ con mình cùng niệm Phật. Thấy mẹ đau đớn, mặt mày tái nhợt... Con sợ quá, niệm Phật thật to. Rồi ... con chỉ nghe tiếng con niệm, một mình con niệm, một mình con hét to, một mình con gào to.

Mẹ ơi! Không phải vậy! Đó là tiếng gào của biển cả, tiếng thét của bão giông, tiếng vần vũ của mây đen từ bốn phương ùa về... Tất cả, tất cả ụp phủ xuống con, tối đen, lạnh ngắt.

Dì Út bảo cứ để mẹ nằm im như thế. Lấy mềnh đắp cho mẹ, treo mùng lên cho mẹ. Bật đèn sáng lên và lấy vải thấm dầu hôi, cột vào bốn chân giường để không cho kiến bò lên. Dì bảo hãy coi như mẹ đang say ngủ, khoan chông đèn đầu giường, khoan vắt cơm, luộc trứng và tất cả không được khóc. Hãy ngồi chung quanh giường niệm Phật tiễn mẹ đi. Mẹ đang chiến đấu một mình với nội ma và ngoại chướng. Chúng ta phải niệm Phật giúp mẹ.

Dì bảo làm gì..., anh chị em con cứ thế mà làm. Dì và mẹ đều là con của Phật. Dì nói: “Hãy nghe lời Phật dạy nếu các con thương mẹ!” Mà làm sao các con lại không thương mẹ kia chứ!

....

42 ngày của mẹ

Mẹ ơi! Quý sư cô đang tụng Kinh Địa Tạng cho mẹ đấy, mẹ có nghe không?

Như vậy là đến thất thứ sáu rồi đấy mẹ. 42 ngày con xa mẹ..., 42 ngày để con thấm thía tột cùng nỗi đau con mất mẹ. 42 ngày con xửng lửng xơ lơ như kẻ mất hồn. 42 ngày con trở về với ký ức của mẹ và con. Sao thế hở mẹ? Sao những năm tháng sống bên mẹ, con không nhận ra hết bao gian khổ, nhọc nhằn mà mẹ phải gánh chịu để nuôi các con của mẹ lớn khôn? Sao con không nhớ hết những lời mẹ dạy, những điều mẹ khuyên và nguồn yêu thương bất tận mà mẹ đã trao truyền? Sao con không nhìn kỹ, nhìn sâu vào những cam chịu của mẹ? Để rồi khi mất mẹ con lại lục lọi, kiếm tìm. Kìa là những lời mẹ dạy, kia là quang gánh mẹ oằn vai bởi cơm áo, đèn sách cho các con. Đây là nơi mẹ chông đèn hằng đêm làm bánh bán. Và chốn ấy, nơi kia, mẹ đã nghẹn khóc vì những lời cãi vả, bướng bỉnh của các con. Đằng kia, trên bộ ván gõ ở hiên nhà, nơi mẹ con mình thường nằm bên nhau cười rúc rích, nhất là những đêm trăng sáng và nghe mẹ kể chuyện về ba. Ôi! Bao nhiêu là hình ảnh mẹ. Từng phân vuông ô gạch trong nhà, ngoài sân, sau hè, trước nhà ... dáng mẹ đầy ắp hiện về, rồi cứu thế nỗi nhớ thương mẹ làm con như nghẹn thở. Và mẹ ơi! Mẹ có biết con đã sám hối hằng đêm trước bàn thờ Phật, bàn thờ mẹ vì những sai trái của con?

Còn một tuần nữa là thất 49 ngày của mẹ. Chúng con sẽ làm lễ trai tăng cho mẹ. Trong buổi lễ hôm ấy, ni sư bảo con đọc bài tác bạch. Mẹ phải giúp con bình tĩnh mẹ nhé! Con mà khóc thì không sao đọc tiếp được đâu. Và mẹ, mẹ phải xả bỏ tất cả, nhớ rõ những lời Phật dạy để được siêu sanh thoát hóa, mẹ nghen!

Vu Lan năm nay con về chùa mà sẽ không có mẹ đi cùng. Và đến giờ làm lễ Bông Hồng Cài Áo, con sẽ không còn được cài hoa hồng đỏ. Mọi năm, nhìn mẹ rưng rưng lệ khi cài hoa hồng trắng vì thương nhớ ngoại, con đâu hiểu hết nỗi buồn đau mất ngoại của mẹ. Con chỉ thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc vì có mẹ ở bên. Con đón nhận đóa hồng đỏ thắm với một niềm sung sướng tự hào, và con khẽ hát với đoàn Phật tử bài “Bông hồng cài áo” trong nguồn hạnh phúc mang mang. Năm nay, con mất mẹ rồi, con sẽ nhận hoa hồng trắng giống mẹ. Thế là mẹ con mình huề, mẹ nhé! Mẹ nhớ mẹ của mẹ và con nhớ mẹ của con.

“Đóa hoa hồng trắng như ghim vào tim mẹ. Mẹ đau vì mất mẹ thì ít, mà đau vì ân hận thì nhiều bởi có lỗi với ngoại của con. Mẹ mong sao, con mẹ sống ngoan hiền, để không phải chịu hai nỗi đau cùng lúc.”

Mẹ ơi! Mẹ sẽ không chịu một mình với hai nỗi đau. Con đã sẻ chia cùng mẹ rồi đấy. Con cũng có lỗi nhiều lắm với mẹ cơ mà. Và mẹ có bao dung, tha thứ (bởi mẹ chỉ có yêu thương), nhưng chính con, con không làm sao tha thứ được cho chính mình, khi đã không biết trân quý những năm tháng còn có mẹ.

Con sẽ viết tiếp vào thất 49 ngày của mẹ. Mà mẹ ơi! Mẹ phải về với Phật mẹ nhé! Con sẽ không khóc nhiều nữa đâu, không gọi mẹ nhiều nữa đâu. Con đã hiểu được lời Phật dạy rồi. Mẹ ơi! Mẹ hãy ngước nhìn chân dung Đức Từ Phụ kìa. Mẹ con mình cùng lạy Phật mẹ nhé!

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2007

Nói với Nhã Tâm và Nam Khương

Đầu óc ông lan man, không ngăn nắp, không mạch lạc, lung tung, ông viết gì đây.

Thời gian trôi... hai cháu lớn, không biết ông nội thế nào, ra sao, chỉ còn những tấm ảnh, nhưng không có gì quan trọng, không có gì đáng nói. Một ông già bình thường, như ông đã nói trong tập “Theo bước thời gian”. Điều quan trọng là ở Nhã Tâm và Nam Khương...

Ông tin các cháu sẽ không xem những truyện tranh tầm phào, lá cải, rẻ tiền. Nên đọc những sách làm người, lịch sử, địa dư, những sách văn học có giá trị, trinh thám, khoa học, những tác giả Nobel. Điều này có bố mẹ các cháu. Ông không nhớ ai đó đã nói: Một ngày không đọc sách như năm ngày không rửa mặt.

Và ông đã viết cho các cháu:

Pascal nói” “Cái tôi đáng ghét” và Nielszche: “Cái tôi ngày hôm qua đáng nghét.” Các cháu hiểu – đừng bao giờ nói về mình, nếu nói chỉ là sự tự trào (đêm cái tôi của mình làm cười cho chung quanh thì được).

Nhớ - luôn cởi mở, lịch sự với mọi người. Nếu chung đụng, tập thể, đừng tranh né công việc, không lười biếng, luôn hòa đồng. Đó là giá trị giáo dục của gia đình.

Cái xấu thì đầy khắp, cái tốt thật hiếm hoi. Hãy học những điều tốt, lẽ phải, tránh xa cái xấu. Cái xấu đôi khi là sự hủy diệt tâm hồn, là niềm ân hận lương tri, sự ung nhọt đầu óc, cái xấu luôn bị khinh, phỉ nhổ...

Và các cháu à, ở đây giữa ông và cháu, chứ không dám đụng đến tha nhân. Bởi kẻ biết luôn im lặng, kẻ không hiểu gì ưa khuyên người khác. Ông thường bắt gặp những ông già, những người lớn ưa khuyên tuổi trẻ thế này, thế nọ. Ông vẫn nghĩ: tuổi trẻ là tuổi trẻ, đừng bắt tuổi trẻ giống tuổi già. Tuổi già là tuổi của nghĩa trang, tuổi trẻ là thế hệ đang vươn lên, đang khỏe và tiến tới, là tuổi của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo v.v và v.v, thế hệ @ mà.

Ông lẩm cẩm, cái lẩm cẩm của yêu thương, của mong muốn và hy vọng.

Thời gian này Nhã Tâm 5 tuổi, Nam Khương vừa vui với Sinh nhật 2 tuổi. Sinh nhật tổ chức trễ một ngày. Bởi bố Quốc bận dự đám cưới người bạn thân ở Sài Gòn, không về kịp. Chả biết Nam Khương nói rõ chưa, chứ tấm ảnh cầm micro song ca với bạn gái rất ấn tượng – y chang ca sĩ.

Sài Gòn những ngày mưa nhẹ và gió lớn, ông thì mới... 71.

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

Bồng bềnh

Bồng bềnh

Bảy mươi mốt tuổi nhẹ nhàng

Âu lo vứt bỏ nợ nần lùi xa

Lang thang sớm sớm chiều tà

Cà phê vài cử cơm nhà vô tư

Ba con vui vẻ hiền từ

Lai rai bỏ túi bì thư ta xài

Từ xa trời đất chia hai

Ta mong chia lại cho ai bây giờ

Cuộc đời là một bài thơ

Mây bay gió thoảng mộng mơ vơi đầy

Cám ơn một thuở chân mây

Để ta thừa hưởng quãng ngày hôm nay

Lang thang khắp chốn đời này

Còn yêu mãi mãi con người trần gian.

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2007

Nơi chốn một thời

Từ Sài Gòn, theo Quốc lộ 1 ra đến địa đầu Phan Thiết, qua cầu số 5, qua cầu 40 (còn có tên cầu ông Nhiễu), vòng một khúc quanh, nhìn tay trái, sẽ thấy những chồng tỉn chất cao nối dài nghiêng nghiêng ánh sáng, trông rất lạ mắt, rất nghệ thuật.

Đó là một thời ta mới đến. Bây giờ không còn sót một mảnh tỉn nào. Bây giờ con ta hỏi: “Cái tỉn hình dáng thế nào hở ba?”

Đã thay đổi hoàn toàn – lò tỉn cây số 3, bây giờ là vila, là nhà cửa, là công ty, là hãng nước đá, là nhà nối nhà khang trang, nhưng lạc lỏng.

Trẻ con thời đó gặp người lớn là vòng tay cúi đầu. Bây giờ khác, la hét, ngổ ngáo.

Nơi đó, ta đã nợ quá nhiều, sự chất phát và lòng tương thân tương ái. Cái bơ vơ, túng thiếu được xóm làng quan tâm. Không biết gặt hái, ông Tư cũng gọi ra đồng. Nhà dột, bà Tư M, bà bảy H cho mượn thóc.

Một kẻ lang thang, chỉ có café, thuốc lá cũng được bà con lao động cho vào toán bốc vát:khoai lang, cá, nước đá. Thời vừa làm vừa dấu, khiêng vội vã lên xe bà Hai Cây Dừa, bà Na, xe cũng vội vã lao đi trong đêm, có khi chưa bỏ hết hàng, đã phải chạy.

Có những khuya chờ xe nước đá từ Sài Gòn ra, lặng lẽ vát vào nơi phủ dấu, như hàng cấm, như chất nổ. Thời mà nơi này có 5, 3 kg gạo không mang đi nơi khác được. Cá Phan Thiết không lén lút mang vào Sài Gòn, thì chỉ có làm nước mắm, rồi nước mắm cũng tiêu thụ ở Phan Thiết mà thôi.

Thời kỳ đó đã rêu cỏ, đã bay xa…

Ba đứa con ta đã lớn ở nơi này, bên dòng sông Cà TY đùng đục, eo xèo, bên QL1 A xiên xiên sáng nắng mưa chiều với bobo, rau muống, nói rau muống là nhớ chị H với lòng biết ơn.

Làm ruộng cũng thua, làm công nhân nước mắm cũng bệnh. Cuối cùng chiếc quán nhỏ bên đường với 5, 7 em học trò. Có lần mấy cậu bé ngừng xe đạp, nhìn vào và nói: giống chuồng bò quá.

Thời gian trôi theo chiếc xe đạp mini màu trắng, đỏ rồi xanh, sáng sáng vào chợ, lộc cộc, chầm chậm về nhà như kim đồng hồ với lỉnh kỉnh bánh kẹo, tạp hóa và mồ hôi lên dốc.

Những đứa con bắt đầu từ trường thôn, phường… rồi đến KTX Sài Gòn. Năm thứ hai đã tìm việc làm, đã đi dạy kèm và được học bổng, bởi mỗi tháng ta chỉ có vài trăm ngàn gởi nuôi.

Rồi ra trường từng đứa, từng đứa, đều có cơ quan, công ty nhận vào làm việc. Đó là sự may mắn và lòng cố gắng. Đó là công lao giáo dục của một người mẹ. Ra trường lao vào công việc, không có cả những ngày giải lao, di lịch như bạn bè. Có người sẽ bảo tiền đâu đi du lịch. Không sao, cậu con lớn năm thứ hai với chiếc máy ảnh PETRI đã đi xuyên ½ miền Trung: Nha Trang, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An và Huế với vỏn vẹn 150.000 đồng xin mẹ.

Bây giờ cuộc sống gia đình đã ổn, các con đều ý thức và đứng vững trên đôi chân mình. Điều ta an tâm và vừa lòng là các con biết yêu thương nhau, biết trải lòng với tha nhân, biết kẻ lớn người nhỏ.

Có điều làm ta thoáng buồn là sự hiểu lầm của mấy anh con nhà cậu (bên ngoại) trông rất gần mà cũng xa vời vợi… bởi mặc cảm và lòng trắc ẩn. Phải chi nhìn thẳng vào sự việc, công bằng và chân thật thì hay biết mấy…Nhưng biết nói sao, sự hiểu lầm với lòng nông cạn và ích kỷ.

Xin dừng với hai câu:

“Nghe như hoa cỏ bên đường

Vang lên âm điệu yêu thương cuộc đời.”

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2007

Ngọn đèn trong ngôi chùa cổ

Ngọn đèn trong ngôi chùa cổ (*)

Chùa ở thôn tôi, ngày ấy, đã cổ lắm rồi, rêu phong theo thời gian phủ đầy một lớp hoang lạnh. Chùa lại nằm sâu trong xóm cát, bên trái và sau chùa là một vùng nghĩa địa dày đặc mồ mả. Dân trong thôn gọi là nghĩa trũng.

Ấy thế mà, hằng năm cứ đến ngày Phật đản, tôi lại đưa ba đứa con nhỏ của tôi lên ngôi chùa cổ ấy lễ Phật. Tôi cũng không sao lý giải tâm trạng của tôi lúc ấy, tôi chỉ biết rằng, nếu mẹ con tôi đi dự lễ Phật đản ở chùa Tỉnh Hội, hay về chùa thầy tôi, thì rất đông vui. Tại những ngôi chùa này, các con tôi sẽ được nhìn thấy lễ Phật đản do các tăng ni và Phật tử tổ chức thật long trọng như thế nào.

Tất cả tăng ni và Phật tử vân tập về chùa Tỉnh Hội với nào là cờ hoa, nhạc lễ… Người người chen nhau vui mừng đón lễ như một ngày hội lớn. Các con tôi rồi sẽ căng mắt, lòng chúng sẽ rộn rã. Tai chúng sẽ nghe bao nhiêu là âm thanh và trái tim chúng sẽ rộn ràng với vô vàn cảm xúc. Thế nhưng, sự lựa chọn của tôi thật là “kỳ cục”. Tôi đã đưa ba đứa trẻ thơ về ngôi chùa cổ, vừa hoang sơ, vừa lạnh lẽo, lại không có một bóng người, trừ một bà vãi già hằng ngày trông nom, quét dọn chùa, chong đèn, thắp hương chánh điện…

Những cánh cửa gỗ của chánh điện chỉ được mở toang ra khi mẹ con tôi về. Trên điện Phật không có một cành hoa, một đĩa trái cây đã đành, mà cây đèn dầu nhỏ cũng không được thắp sáng vì phải để giành dầu thắp vào buổi tối.

Dì Năm, bà vãi của chùa, rất vui khi gặp mẹ con tôi. Dì lúc nào cũng yêu thương và mong mỏi tôi về chùa. Có lẽ sự “ồn ào” của mẹ con tôi làm dì ấm lòng trong ngôi chùa quá ư lạnh lẽo. Rồi năm nào cũng vậy, dì và tôi thắp đèn dâng hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ, bàn thờ đức Quan Thế Âm… Sau đó dì trang nghiêm thỉnh chuông cho mẹ con tôi lạy Phật. Chùa nghèo, dì nghèo, gia đình tôi cũng nghèo… và chúng tôi đón lễ Phật đản chỉ có thế thôi.

Tâm trạng tôi lúc đấy như đứa con đi hoang trở về. Tôi đãnh lễ đức Thế Tôn mà như muốn phủ phục trước tôn dung ngài, đi tìm về một chốn nương tựa để có chút bình yên. Lòng tôi tràn đầy thổn thức, và tôi nghe trong tôi nỗi nhớ đức Thế Tôn đến cồn cào quay quắt. Tôi thầm gọi Ngài, mặc cho nước mắt chan hòa. Tôi đảnh lễ ngài với lòng biết ơn vô hạn. Tôi lạy ngài với sự sám hối ăn năn. Tôi muốn thưa Ngài: sau nỗi nhớ ngài đong đầy trong con, sao con lúc nào cũng mãi là tên cùng tử đáng thương?

Sao mẹ khóc? Mẹ nhớ Phật! Ông Phật này ư? Ừ! Ông Phật này.

Ông Phật của tôi, một tượng Phật bằng đất mà mấy mươi năm qua đã an vị trong ngôi nhà này, đã khắc cốt trong tâm trí tôi mỗi lúc tôi tưởng nhớ, trong nỗi vui buồn. Và nếu như đến ngày Phật đản, tôi không về quỳ trước tôn dung ngài, là tôi thấy mình như có tội, y như tôi không sao gặp được đức Từ Phụ của tôi. Là tôi thấy mình còn ham vui mới về chùa Tỉnh Hội, chùa thầy tôi - những ngôi chùa thật đẹp, thật đông ở dưới phố. Điều đó, tôi nghĩ thật là bất công cho ngôi chùa cổ trong thôn vẫn phải cửa đóng và không ai thấp đèn dâng hương nhân ngày Phật đản. Và cứ thế, mỗi năm vào những ngày vía, tôi một mình cùng với các con tìm về ngôi chùa cổ, ngôi chùa với tuổi thơ vô vàn kỷ niệm thân yêu. Cũng chính nơi đây, tôi kể cho các con tôi nghe về lịch sử đức Thế Tôn, những câu chuyện tiền thân của ngài. Và nơi đây cũng là chiếc nôi chánh pháp cho ra đời bao thế hệ Phật tử. Tôi kể về vị thầy sáng lập ra ngôi chùa này, kể về các sinh hoạt của gia đình Phật tử mà tôi và bè bạn trong thôn đã sinh hoạt từ khi còn là Oanh Vũ đến khi là huynh trưởng.

Cũng chính ngôi chùa cổ này, tôi đã dạy ba con tôi ba điều luật của ngành Oanh: Em tưởng nhớ Phật; Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; Em thương người và vật. Chỉ từ ba điều luật này, tôi triển khai dần theo năm tháng, để nuôi dưỡng các con tôi theo chánh pháp, và khi các con tôi khôn lớn thì cũng là lúc chúng đón nhận đầy đủ những tinh hoa từ kinh sách và những lời giảng dạy của các bậc tôn túc. Tôi chỉ xây cho con tôi một cái nền, các con tôi tự xây cho chúng một ngôi nhà theo quan điểm của chúng. Và cả gia đình tôi luôn tâm niệm không ngừng rắng: đời đời kiếp kiếp nguyện sống trong chánh pháp của Như Lai.

Giờ đây, tôi đã già, bao bệnh tật và vất vả đã khiến nhiều lần tôi bước những bước quàng xiên vào ma đạo “đã là con Phật mà chiến bại trong cuộc chiến với nội ma và ngoại chướng, thì không lạc vào ma đạo là còn gì?” Cũng may, có các con tôi, chúng còn trẻ, còn hồn nhiên trong sáng và đôi lần chúng dìu tôi đứng dậy. Các con tôi, giờ đây là thiện tri thức của tôi, và tôi, tôi giống như ngôi chùa cũ ngày xưa, được các con tôi thắp lên ngọn đèn rực sáng cho lòng tôi ấm lại, xua tan dần những tạp niệm muộn phiền.

LỆ TÂM (Phan Thiết)

(*) Bài mẹ viết tặng ba con yêu của mẹ: Nam Quốc, Linh Thoại, Lan Nhã.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2007

Buổi sáng

Buổi sáng

Ta đi ngàn mặt trời rơi rụng

Trên cánh đồng quê hương

Ướt đẫm bình minh

Lặng lẽ

Như biển gọi sóng về

Như chim di về núi

Như em đi phiêu bồng lá đổ

Mùa thu rung đôi cánh mỹ miều

Lặng lẽ ta đi

Trên bờ mẫu ruộng nhà

Ngàn mặt trời òa vỡ rụng rơi

Bình minh phía trước

Hẹn hò tương lai

Vun đầy ánh sáng

Ta đi thương mến dâng đầy

Buổi sáng

Buổi sáng

Ta đi ngàn mặt trời rơi rụng

Trên cánh đồng quê hương

Ướt đẫm bình minh

Lặng lẽ

Như biển gọi sóng về

Như chim di về núi

Như em đi phiêu bồng lá đổ

Mùa thu rung đôi cánh mỹ miều

Lặng lẽ ta đi

Trên bờ mẫu ruộng nhà

Ngàn mặt trời òa vỡ rụng rơi

Bình minh phía trước

Hẹn hò tương lai

Vun đầy ánh sáng

Ta đi thương mến dâng đầy

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2007

Xem "Người trong cuộc": Nỗi đau nghẹn thở

Dưới đây là một bài viết của mẹ cho TTO.

TTO - Có một điều mà ai cũng biết: “Muốn phát tài thì bán nguyên liệu làm ra thuốc. Muốn làm giàu nhanh thì mở tiệm bán thuốc”. Đó là câu nói của ông cục trưởng - cục giám định - nói với Đàm Hoa - đội trưởng đội cảnh sát hình sự, nhân vật chính trong bộ phim truyền hình Trung Quốc Người trong cuộc (*).

Người xem phim tưởng như ai đó, bóp nghẹt trái tim mình đến nghẹn thở, khi ông cục trưởng đưa Đàm Hoa đến thăm một gia đình của một nạn nhân dùng phải thuốc giả. Bé gái hai tuổi rưỡi chết sau nửa giờ khi được một bác sĩ trong thôn (vị bác sĩ này đã hành nghề 20 năm) tiêm cho một mũi thuốc vì đau bụng tiêu chảy.

Người anh trai bốn tuổi của bé gái đang đứng trên chiếc bàn cao đã bị té từ trên bàn xuống, gãy xương cột sống, phải nằm lết mà không sao ngồi dậy được, khi bà nội cháu vì quá hoảng loạn đã buông tay cháu chạy đến với đứa cháu gái đang giãy chết. Mẹ của hai đứa bé bất hạnh không chịu đựng được nỗi mất mát và niềm đau quá lớn đã nhảy xuống sông tự vẫn. Và ba của hai đứa bé bỏ nhà ra đi. Không ai biết ông đi về đâu.

Vị bác sĩ vì quá tự tin rằng thuốc mình đang điều trị cho bệnh nhân không phải là thuốc giả, và để chứng minh niềm tin đó, ông đã tiêm cho chính con gái yêu dấu của mình một mũi thuốc khi cô bé cũng bị đau bụng. Đứa bé đã kêu lên với cha: “Ba ơi! Sao tay chân con tê hết thế này…” rồi từ giã cõi đời. Thế nhưng vẫn kiên quyết mình không mua lầm thuốc giả, vị bác sĩ đem con thỏ ra thí nghiệm. Hai phút sau, con thỏ chết. Và vị bác sĩ đấy đã bỏ nghề với sự trầm uất đớn đau.

Bi kịch của bộ phim không chỉ dừng lại trước những thảm trạng của hai gia đình đấy. Đó chỉ là những cái gút được mở ra ở giữa chuyện phim, để khán giả biết rằng, bà giám đốc của một công ty dược phẩm nổi tiếng kia, vốn xuất thân từ một người ít học. Bà cùng với người tình của bà trước đây chuyên hành nghề bán thuốc nhái, thuốc giả… rồi nhờ đó phất lên, mở công ty, mua “chất xám” tiến sĩ y khoa nước ngoài về làm bình phong; mua uy tín của các giáo sư tiến sĩ để quảng cáo dược phẩm của mình, mua bác sĩ của một bệnh viện có thương hiệu lớn để dễ bán thuốc; mua quan chức thành phố để dễ bề vay vốn ngân hàng; mua đội phó đội cảnh sát hình sự để làm nội gián và một số tên xã hội đen sẵn sàng giết người để bịt đầu mối khi bại lộ.

Bộ phim được mở đầu bởi cách chết của nữ bác sĩ Mẫn Tiệp - vợ của Đàm Hoa, khi cô biết chính loại thuốc giả đang được bán ngay trong bệnh viện là nguyên nhân dẫn đến cái chết của một vài bệnh nhân do cô điều trị. Dấn thân điều tra loại thuốc giả đó, cô đã nhận cái chết bi thương với 17 nhát dao đâm. Và Đàm Hoa bị bọn lưu manh dàn dựng hiện trường để đồng nghiệp anh cáo buộc anh là kẻ giết vợ do ghen tuông.

Diễn tiến của bộ phim rất chậm nhưng vẫn lôi cuốn người xem bởi đường dây phá án của cảnh sát hình sự đã lần lượt tìm ra các bằng chứng tội phạm thật dã man và kinh khủng với những mắc xích quyền lực và tham vọng.

Điều gì đã khiến người xem phim đau lòng? Chắc chắn không phải chỉ là ở các tình huống của những nạn nhân trong phim, mà là qua phim người xem giật mình khi nhìn lại cuộc sống quanh mình. Lâu nay, báo chí Việt Nam đã và đang báo động có trên 60% thuốc giả đang xâm nhập thị trường; đã và đang có mặt ở các quầy thuốc bệnh viện. Vậy bệnh nhân chúng ta sẽ ra sao nếu dùng phải thuốc giả để điều trị? Và ai sẽ là người giúp bệnh nhân thoát khỏi mạng lưới tham vọng của những con người bất nhân chuyên làm giàu bằng chính sinh mạng của đồng loại?

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2007

Trời Thu giữa Xuân

“Hôm nay trời vào thu. Trời mặc áo sương mù. Em đi tà lụa phố. Áo sờn bay trong gió. Yêu em rồi yêu thu. Nên ngàn đời sẽ nói yêu mùa thu.”

Buổi sang mùa thu giữa xuân Sài Gòn (Mồng 3 tháng 2 AL – Xuân phân). Nắng rất mỏng, sương mù giăng nhẹ, khí trời gai gai lạnh. Hàng cây cổ thụ trên đường số 3 bất động, thỉnh thoảng rung nhẹ như rùng mình, rải chút hơi long lanh ẩm ướt xuống mặt đường.

Những học trò ngôi trường Bàn Cờ điểm vài ba chiếc áo len vơí túi đeo vai dài qua gối hồn nhiên đùa giỡn. Bỗng dưng nhớ con đường làng Trung Phước. Con đường thẳng tắp đến Tây Viên, suối nước nóng, đèo le. Hai bên đường những ô ruộng lúa bé như những hinh kỷ hà học nghèo khó một thời tuổi học trò, nhớ con song đẹp như thơ, bên kia là Đại Bình, bên này là Trung Phước. Nếu không có tiếng gầm rú của máy bay oanh tạc, không có tiếng kiểng báo động trên một ngọn đồi thì thanh bình biết mấy. Nhớ hầm trú ẩn, nhớ những giờ học ban đêm đèn dầu heo hút. Nhớ những Phan Ngọc, anh Hùng, Lưu Quý Dũng, nhớ Sơn… Tuổi trẻ đã ra đi. Thành niên, đôi ba lần trở lại, ngụy tạo sự bình yên. Bạn bè không còn ai, chỉ còn dăm cố bé, Huệ, Thân, Yến, Thu, Năm… đi nhẹ vào đời, vô tư, trong sang rồi cũng rời xa – bởi chinh chiến, bởi song hồ trĩu nặng, lãng đãng khói sương…

Dòng song vẫn xanh núi Hòn Ngang vẫn chắn lối – và cô đơn như ngọn “Cà Tang” như công trình kim tự tháp xanh. Nhớ một buổi sang cũng nghe thu dìu dịu thế này. Ta đứng bên này Cà Tang, nhánh sông nhỏ của sông Thu Bồn, chụp ảnh ngọn đồi mỏ than Nông Sơn bên kia. Nhịp nhàng những ngôi nhà ngói đỏ bao quanh ngọn núi. Ta cũng không biết có cái đồn lính bảo an trên đó. Ta bị bắt, bị đánh hù dọa, bị hỏi nhiều điều. Nào là chụp để gởi vào bưng, gởi ra Hà Nội. Ta vô tình và mù tịt. Đêm ngủ với mấy anh lính, không mùng mền, hơi núi bao trùm, lạnh run. Nhờ anh của Dương Minh Tùng, lấy lại máy ảnh, những cuốn phim bị tịch thu.

Hai năm sau, nhận được lời mời một người bạn đến Mỹ Lược chơi. Một đêm trăng lang thang đạp xe đến Thu Bồn, gặp Thân trong một quán ăn ven song, ngồi đến khuya, nói đủ thứ chuyện. Ta mới vỡ lẽ lý do dạo bị bắt. Bởi người đồn trưởng mỏ than yêu Huệ, mà Huệ cứ nhờ anh Tuệ rủ ta đi chơi Đại Bình, Cà Tang. Ta đã vô tình mấy mấy cuốn phim 24 x 36, lãnh mấy bạt tai. Thật vô duyên, thật hài hước… Đó là năm đệ nhị (11 bây giờ).

Bên này Cà Tang, bên kia song, mỏ than. Bây giờ đã có chiếc cầu bắc qua, chiếc cầu bê tong vững chãi. Cầu mà ta cũng có chút mồ hôi đóng góp. Mong có một lần về đi qua cầu giữa gió núi bạt ngàn, như cái bạt ngàn của năm tháng đi qua…

Cà Tang – quê hương của Tường Linh, Hoa Ngỏ Hạnh.

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2007

Một ngày của rừng

Rừng vẫn xanh, gió vẫn đầy, mặt trời lên ấm áp. Nhưng rừng đầy bí hiểm và lâm tặc bủa vây…

* Mẫu đối thoại một lần về Phan Thiết:

_ Vẫn khỏe và tự tại?

_ Em vừa nhậu bên bên villa kia về. Mấy thằng nó bảo em vô tư. Anh thấy em có vô tư không?

_ Không. Em có một chút hiền lành, một chút nóng nảy, một chút trí thức, một chút lãnh đạo và chân thật như người Nam Bộ. Còn trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người ai mà biết.

_ Vâng, anh nói đúng. Trong em biết bao nhiêu là trăn trở, là lo lắng, tất cả đều quy về hai nhóc.

_ Anh thấy tụi nhỏ ngoan đấy chứ.

_ Học được, Anh văn khá, điều này thì không lo. Có vấn đề: tuổi trẻ và con đường trước mắt … Anh ăn bánh đã, bánh làm cho ngày vu quy của V đấy.

_ Hân hạnh thưởng thức trước cả tháng.

* Ồ, phải chăng đó là quy luật. Bởi con đường ai cũng đi qua, cũng chạm đến. Đó là tình yêu.

Nói theo văn thơ Anh: Tình yêu sống muôn nơi muôn thuở. Đời nào, nơi nào người ta cũng bắt gặp. Tình yêu được ca tụng nhiệt tình, sâu đậm, dị kỳ. Có thể nói: Không có tình yêu thì nền văn minh huy hoàng của nhân loại cũng không có. Ai đó đã nói: Bạn chưa đau khổ, tức chưa biết sống. Bởi vậy nên: Arvers có bài thơ tình hay nhất một thời:

“Lòng ta chôn một mối tình

Tình trong giây lát mà thành thiên thu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay”

Với Xuân Diệu thì: Cho rất nhiều, song chẳng nhận được bao nhiêu. Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có lạ gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạc

Bằng mây dìu dịu gió hiu hiu”

Năm đệ tam ta bắt chước Xuân Diệu:

“Em biết cho chăng có những chiều

Nhìn em anh muốn tỏ tình yêu

Nhưng lòng e ngại anh không dám

Đành để trôi theo với quạnh hiu”

Phạm Duy thì “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời…” rồi “Ngày đó có em ra khỏi đời rồi, và mang theo trăng sao đến cuối trời thơ nuối…Ngày đó có kêu lên gọi hồn người. Trùng dương ơi, có xót xa cũng hoài mà thôi…

Trịnh Công Sơn thì: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”, phải chăng ta là đại dương. Còn Hoài Khanh:

“Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng

Thương về con nước ngại ngùng trôi

Những người em gái hôm qua ấy

Ai biết chiều nay có nhớ tôi”

Hay: “Trên tay điếu thuốc chưa tàn

Ly cà phê đắng bàng hoàng đắng cay

Thì em cũng vẫn là mây

Thì em cũng vẫn là cây trơ cành

Hồ Dzếnh:

“Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân

Nhìn trên tay điếu thuốc cháy lụi dần

Anh sẽ bảo: “Gớm sao mà nhớ thế!”

Vâng! Tình yêu là thế đó.

“Em đến em đi buồn anh biếng nói

Ngồi trầm tư ghi nhặt nét đan thanh

Nụ hôn xưa môi anh giờ tiếc nuối

Ánh mắt nào ôi nhung nhớ long lanh.”

(Nam Chương)

“Ta yêu người hay ta yêu ta

Ta yêu ai như yêu cuộc đời

Ôi mắt nai buồn vương năm tháng

Trong mơ ta về trên đôi môi.”

(Nam Chương)

“Em là gái mắt buồn nên thần tượng

Anh chung tình đêm mãi ngồi làm thơ.”

(Nam Chương)

Vâng! Là thế đó. Nên tất cả rồi qua đi …qua đi…. Còn lại ta với kỷ niệm, mà kỷ niệm là những của cải quý báu nhất của con người. Nó sống mãi trong tâm khảm người ta.

Dừng với hai câu của Hà Liên Tử:

“Cuộc đời ừ gió mây trôi

Ai đau mà xót ai mời mà thương.”

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2007

Xê dịch - viết cho con trai

Việt Nam – nơi đâu cũng là quê nhà. Nhưng ba vẫn chạnh lòng bởi Vy – công việc cơ quan và hai bé – một mình, vất vả đấy.

Ở đâu vẫn cố gắng, phấn đấu và vươn lên.

Con hãy nghiệm câu danh ngôn của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Với ba, ba vẫn tin con, như vẫn tin.

Cùng đi, có bạn bè nào không, hãy mỗi con? Ta hồn nhiên, tự tại và hòa đồng – rồi sẽ có những bạn hiền.

Đừng nhậu.

“Dù không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” hay “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” (Huy Cận và ai đó…ba không nhớ rõ.)

Dù chiều đi, có khói sương bãng lãng, có mây phủ núi đồi, có tiếng trẻ thơ reo cười đâu đó… cầm máy lang thang hay pha trà, ngồi đọc sách.

Đừng nhậu. Cố gắng nhé. Nhậu là một thất bại….là chạy trốn cuộc sống và gia đình.

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2007

Mùa Xuân về với cội nguồn

29 Tết. Tôi về đến nhà khi ánh nắng cuối cùng còn ráng đỏ một góc trời. Hai đứa em tôi chạy ùa ra cổng ríu rít đón tôi. Không biết do khí trời trong lành ở đồng nội hay bởi sắc xuân đang đầy ắp khắp quê nhà, khiến lòng tôi rạo rực và bồi hồi khôn xiết.

Đúng thật ở quê! Bao nhiêu là giấy đỏ mực tàu chữ Phúc, ba và các em tôi đã dán khắp nhà trước giờ đón ông bà. Từ cổng nhà đến cối giã gạo; từ cây khế, cây xoài, gốc mít… đến chạng bếp, cối xay; từ cửa cái, cửa sau đến lu đựng thóc, giếng nước, chuồng trâu, một màu đỏ thắm với đầy đầy Phúc Phúc rộn rã mừng xuân.

Ba tôi đang sửa lại cây nêu cao vút trước nhà nhìn tôi cười đầm ấm. Mẹ tôi vừa châm thêm nước vào thùng bánh tét to đùng ở sân sau, vừa cất tiếng hỏi: “Con về rồi ư? Đi xe có phải chen lấn vất vả lắm không con?”. Tôi nhìn ra vườn, những luống hoa trường sanh, hoa vạn thọ chỉ còn lưa thưa dăm chục, vì hẵn ba đã nhổ vao dâng lên bàn thờ và mẹ đã bán được vài gánh ở các phiên chợ Tết. Chỉ còn luống xà lách mở và cải bẹ xanh nõn nà xanh mướt, trông thật mát thật ngon.

Mùng 1 Tết. 0 giờ. Sau giờ phút giao thừa, ba tôi thắp hương và thỉnh chuông, mẹ tôi và chị em tôi cùng quỳ xuống dâng hương lễ Phật, lạy ông bà và chúc Tết ba mẹ. Sau đó chúng tôi cùng thức với mẹ bên thùng bánh tét. Anh chị em lâu ngày gặp nhau, cười nói huyên thuyên cho đến khi cây củi cuối cùng cháy hết và hương nếp, hương đậu bay thơm nồng vào tận nhà trong.

Vẫn như mọi năm, sáng mồng một Tết cả gia đình chúng tôi đều về nhà tự - nhà của bác Hai - cũng chính là nhà thờ cửu huyền thất tổ, ông bà… Đây là tập tục từ xưa mà dòng họ tôi luôn luôn trân trọng giữ gìn. Mỗi sáng mồng một Tết, giờ xuất hành đầu tiên, dù có tốt hay xấu, tất cả con cháu đều quay về nhà tự dâng hương lễ ông bà. Nhìn đàn con cháu rồng rắn xếp hàng trước cửa nhà tự, từ vai lớn như bác, cô, chú đến con, cháu, chắt chờ đến phiên mình vào lạy ông bà, mừng tuổi người lớn, nói rõ tên mình là con ai, cháu ai giống như điểm danh, khiến bọn trẻ con run lên vì sợ. Ba tôi thì bảo: “Con cháu ở xa, mỗi năm mới đoàn tụ một lần, phải làm vậy để nhìn nhau cho rõ, nhớ nhau cho nhiều, không khéo ra đường ôm đầu đánh nhau”. Nào phải ít, hơn 4-50 đứa, không xưng không lễ làm sao nhớ hết.

Sau những lời chúc Tết, những lời hỏi thăm và con cháu quây quần nhận phong bao lì xì, rồi thì cùng nhau ngồi xếp bằng trên bộ ván dài 6-7 mét, ăn bữa cơm chay vừa mới dọn xuống sau khi cúng. Bọn trẻ con không ăn, chúng bóc vội miếng bánh tét hoặc miếng cốm ngốn đại rồi cùng ùa ra sân đùa giỡn.

Buổi sáng đầu năm, cả gia tộc đoàn tụ, yêu thương, hạnh phúc dâng đầy và cùng hướng về ân đức tổ tiên để cùng cảm nhận một nguồn giao cảm thiêng liêng giữa người sống và người đã khuất.

Vâng, các con đã về, về với cội nguồn, về lại ngôi nhà của gia tộc sau những tháng ngày làm ăn tất bật ở khắp nơi. Nhất là tôi, xa nhà đã 15 năm, hết học rồi đi làm…nên mỗi lần Tết đến là mỗi dịp được quay về với gốc rễ, cội nguồn, với quê nhà của mình. Chỉ có ở đây, tôi mới thực sự được an bình, được yêu thương, được thơ trẻ.

TÂM KHƯƠNG (Phan Thiết)

----Bài tùy bút mùa xuân của mẹ trên TTO, lấy tên hai cháu Tâm Khương làm bút danh----

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2007

Đã mấy mùa Xuân

Đã mấy mùa Xuân không về Phan Thiết

Gởi về đâu một chút Tết riêng tư

Gởi về đâu bao nỗi niềm luyến tiếc

Một thoáng sông hồ cuối nẻo vô ưu

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2007

Xuân Buôn Mê Thuột

Có một cành mai hoa vài nụ

Gọi mùa Xuân lặng lẽ bên thềm

Có một chiều lòng ta bỗng lạ

Nghe hoàng hôn chớm lạnh cả phố đêm.

Sầu đông

Những sợi cước trên đầu

Long lanh ánh sáng

Trở về miền gió cát sầu đông

Trái nhỏ bên thềm mong manh bãng lảng

Dòng sông heo hút gió phiêu du

Trở về căn nhà đâm xa lạ

Mịt mù

Nền đất, mái rêu

Tàn tạ bóng chiều đi

Không còn ai, chỉ còn nỗi nhớ

Tất cả xa rời như mây trắng rất xa

Trở về khu vườn trái cây trơ trụi

Bóng sứ xanh chìm khuất nơi đâu

Còn lại ta tâm hồn cằn cỗi

Thương vô cùng năm tháng đi qua

Lạ lẫm bước chân

Con đường thăm thẳm

Nhà đã thành đường nhựa thênh thang

Còn tim đâu một nơi trú ẩn

Đêm vô cùng

Chìm khuất bóng xanh xao.

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2007

Hẹn trở lại Buôn Mê Thuột

Nhã Tâm, Nam Khương lớn lên trên vùng cao nguyên đầy sỏi đá, với lên đồi, xuống dốc. Vùng núi rừng có một loài hoa đã ghi đậm vào tâm trí ông, loài hoa vàng rực, sống khỏe và vươn cao trên sỏi đá. Đó là hoa dã quỳ, mọc hai bên đường đi của sương gió núi đồi. Giống như hoa Fuki của Nhật, mọc và sống mạnh mẽ trên vùng băng tuyết. Người Nhật trân trọng, quý như hoa sen của ta. Còn ông, ông nghĩ nó giống hoa Dã quỳ của cao nguyên Việt Nam. Loài hoa mà ở đồng bằng, thành phố ít ai biết. Như người Nhật say sưa với hoa anh đào chứ ít ai chiêm ngưỡng hoa Fuki.

Hai lần ông đến BMT là hai mùa hoa Dã quỳ rực rỡ, rung rinh trong gió, cái gió lành lạnh của núi đồi, cái gió nghiêng nghiêng ngàn hoa làm nao lòng người.

Vâng, ông hứa trở lại BMT vào mùa hoa Dã quỳ nở. Loài hoa phong sương chứ không cao sang như thược dược, như cúc, không quý phái như quỳnh, trà mi, không đằm thắm, trang trọng hoa hồng.

Đó là hoa dã quỳ miền hoang giả, hoa dã quỳ của Nhã Tâm, Nam Khương.

Viết cho cháu nội

Hôm nay ông viết về AQ. IQ là trí tuệ. EQ là cảm xúc.

Nhà tâm lý học Paul G. Stoltz (Mỹ) cho ra đời AQ tháng 5 năm 1999. Đã phát hành tác phẩm Adversity Quotient. Đó là chỉ số dùng để đo xem ai có thể đương đầu và đương đầu có hiệu quả trước bất hạnh và nghịch cảnh.

Walt Disney tự bạch về thời lận đận của ông:

1/ Khó khăn không ở hoàn cảnh bó tay mà ở chí khí cạn kiệt khiến ta không quyết tiến.

2/ Ta phải tiến cả những lúc trắng tay, không tiền để mua báo. Nhưng lặn lội đến sạp báo hoặc thư viện để xem báo, đó là một cách để tiến.

3/ Khi có tiền mà không lo học hành và luyện tập kể như không tiến. Đó là lúc tiền dư mà chí khí thì mất sạch.

Thông điệp của giới truyền thông Singapore:

_ Những ai không muốn làm nô lệ cho kẻ khác, nhưng lại sẵn sàng làm nô lệ cho đồng tiền, người đó có chỉ số AQ rất thấp.

_ Trước áp lực của đồng tiền, người nào không làm nô lệ cho đồng tiền và vật chất, người đó có chỉ số AQ cao.

_ Chủ nghĩa thực dụng lấy đồng tiền làm thước đo giá trị bản thân, kể cả khi đồng tiền vấy bẩn.

_ Kẻ học làm sang, nhưng không biết làm người, luôn lấy áo quần, tư trang, xe cộ làm vật trang sức cho giá trị bản thân.

_ Kẻ không biết giá trị con người chân chính, luôn lấy tiện nghi vật chất để thẩm định giá trị bản thân và giá trị của người khác.

Như vậy, khi còn trẻ mà biết nuôi chí lớn, đồng thời có đầy dũng khí để thực hiện chí lớn. Đó chính là cách đầu tư chiều sâu và căn bản cho mọi giá trị cao cả của bản thân.

Nhã Tâm – Rồi bé lớn lên, dĩ nhiên ông không còn, ông cũng không hình dung được lớn lên bé như thế nào, học hành ra sao và những dòng ông viết, ông muốn bé đọc vào giai đoạn học lớp 10. Vâng, lớp 10, bé sẽ đủ bản lĩnh để hiểu phần nào cuộc sống. Ông cũng hy vọng, nền giáo dục nước ta sẽ đổi thay và tiến bộ khi bé lớn.

Ông buồn và e ngại nền giáo dục hiện tại mà báo chí bây giờ dùng từ “rùng mình”. Tốt nghiệp lớp 12: 99,1%; thi Đại học 70% từ 0 ~ 1 điểm. Điều này thật tình “Hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu.”

Còn điểm ưu tiên vào Đại học, đó là một lỗi lầm. Ưu tiên vấn đề gì chứ không thể ưu tiên điểm, trí thức. Sự hiểu biết là vốn riêng của từng người, làm sao mà cho thêm.

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2007

Với Nhã Tâm thời 9 tháng tuổi

Nắng phủ đầy trên cây trứng cá, lá loang lổ chiếc bóng xuống thềm, rung rinh, rung rinh màu lam lục, li ti mờ ảo. Rừng dưới xa, chỉ một màu sẫm, chập chùng thấp cao đến chân trời xám nhạc. Gió qua cành trứng cá xào xạc, rơi vài cánh nhỏ, lẻ loi mấy trái tròn hồng.

Buổi sáng như mơ hồ, lửng thửng trôi đi. Nắng loang loáng màu vàng mơ. Bà cho bé ăn cháo dưới bóng râm, trên thềm nhà. Bé say sưa nắm bắt ánh sáng rung rinh dưới vòm cây, ăn một cách lơ là…

Bé ngủ trên chiếc nôi tự động, ông còn công việc để làm, hoặc uống trà, đọc báo. Nếu bé nằm trên chiếc võng, phải có người túc trực đẩy đưa, bởi ngưng là bé thức tỉnh. Ông nghĩ, bé sẽ nói: “Sao ông không vừa đưa vừa đọc báo.” Được đấy, nhưng bé e e ông phải hát. Mà ông thử rồi, vừa đọc báo vừa hát ru khó lắm.

Đêm qua, mưa thật lớn, nước sau nhà không thoát kịp, tràn vào. Ba Quốc tả xung hữu đột, than lạnh. Mẹ Vi đi làm về cũng ướt, xe mang một vũng nước vào nhà.

Lời bình của bà nội – Trong giấc ngủ bé đẹp làm sao, ở ngoài đẹp hơn trong ảnh. Ông thì không nghĩ vậy. Trong ảnh sẽ giữ lại những khoảng khắc, những bất chợt, những điểm sáng mà ta không giữ lại được. Rồi thời gian bao nhiêu năm sau, làm sao nhìn lại được những nét khóc, những nụ cười hôm nay. Chỉ có tấm ảnh mới giữ mãi được những đường nét sẽ phai tàn theo năm tháng phôi pha ấy. Đó là kỷ niệm còn lưu giữ. Có lẽ vì thế, mà ông thích vẽ, thích nhiếp ảnh từ khi còn niên thiếu. Những năm tháng lang thang, ông không còn giữ được một tấm ảnh nào mình vẽ. Nhưng ông biết, ở Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Sài Gòn… đâu đó vẫn còn những tấm 30 x40 – 24x30 ông vẽ.

Bây giờ thì tay ông củi mục, không làm được gì. Bà nội vẫn nói: tiếng thì có miếng thì không. Còn thói quen thì luôn vẽ những số 0, tưởng tưởng ở mọi nơi, trên thân thể, trong không trung, vi vu, không không, có có.

Với ông, bé Nhã Tâm là một người công bằng. Không chỉ mẹ đến rồi đi, bé phản đối. Không phải bố, bà mà tất cả mọi người, cả chị Lỳ và cả những đứa trẻ, ai đến rồi đi, bé không chịu. Ông nội là nhân vật dỏm nhất, vụng về nhất, đến rồi đi, bé còn không chịu, thì công bằng quá đấy chứ.

Có một buổi sáng, ngoài sân nắng mong manh, Nhã Tâm và Hoàng Khải với hai chiếc xe con cua tám càng đua nhau rào rạo trên sân. Chạy thật mau, xiêu xiêu, vẹo vẹo…nhặt từng mảnh sinh tố D.

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2007

Thời gian đi qua

Ta chỉ có sự suy nghĩ, chỉ có tấm lòng, chứ ta không làm được gì, dù nhỏ nhặt. Như nghe Lan Nhã kể về vợ chồng bé – hai con, làm mỗi tháng chưa được 2 triệu, mà sống giữa Sài Gòn, vất vả biết chừng nào. Như Hòa – Thanh, cu Đen, Milo với con bò… Mà thôi, vẫn ngoài vòng tay, mà trên đời này làm sao kể xiết, như trên báo Tuổi Trẻ, mỗi ngày biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu chuyện thương tâm, mỗi ngày một phóng sự, ký sự bi thảm

Ta đã sai phạm một thời. Cũng có một thời buổi sáng La pagote Thanh Bạch, buổi trưa Thanh Bạch (Lê Lợi), Thanh Bạch (Phạm Ngũ Lão). Buổi chiều cơm bình dân trong hẽm, cổng số 6 hay đêm về bánh mì Cao Thắng, lang thang – lang thang…

Một thời khói lửa, bởi vậy, một thời tử thần réo gọi, một thời bất cần, một thời sống theo sagen, theo sarte. Rồi một thời sình lầy, khe suối, một thời nhìn lá đổ, đất tung. Rồi một thời chòi lá ven đường, quán cóc, học trò… nuôi các con khôn lớn.

Ta vẫn là cái bóng tàn tạ của thời gian… Nhưng ta còn có nụ cười… và bây giờ an tâm, vừa lòng, ta rất vừa lòng với ba đứa con. Vâng! Ta an tâm rồi, lớn cả rồi và cũng có một chút kiến thức với đời. Trí thức, kiến thức không có nghĩa là bằng cấp cao, địa vị lớn trong xã hội – mà là người có hiểu biết, có trách nhiệm với đời, với tha nhân, là người làm và chịu trách nhiệm việc mình làm.