Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Những Noel thời trẻ

Đêm 24-12. Bây giờ là 18g45. Trên kênh VTV3 đang tải những hình ảnh giáng sinh, những ông già Noel râu trắng, áo đỏ, những xe tuần lộc và tuyết rơi trắng màn hình.

Ta ngồi trong một căn phòng tầng 2 khu chung cư Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) với gia đình - vợ và con gái Lan Nhã. Linh Thoại đi làm chưa về. Nam Quốc ở Buôn Mê Thuột với gia đình. 

Đêm giáng sinh, nhớ lại thời trẻ trước 1975 không vướng bận mọi hệ lụy cuộc đời, không quan tâm nhà cửa áo cơm, chỉ có bè bạn và những hẹn hò vui chơi. Đêm giáng sinh vứt bỏ tất cả những suy tư ray rứt, những dằn vặt chán chường của tuổi trẻ với chiến tranh...để chảy theo dòng người chật cứng trên đường Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ...

Đêm Noel với Tiêu Kính, Chín, Mười, Hồng (Chàng Âu) lang thang, cuối cùng về nhà anh Thân ở cư xá Trương Minh Giảng, đúng 0g Réveillon, và ồn ào... 

Noel với Yên Đài (nhà thơ) và Nguyễn Tôn Nhan, gặp và đi cùng Hồi, Tuyết và Nguyệt – nữ sinh Trưng Vương – trên đường Lê Lợi, hẹn gặp chặng cuối ở nhà thờ Đức Bà. Vừa xoay qua thì Yên Đài đã đưa Tuyết mất hút giữa dòng người. Tôn Nhan đi với Nguyệt. Ta dắt Hồi đi lẹ, ngó lại vẫn thấy Tôn Nhan đi cận. Hồi đẩy Nguyệt ra. Chốc chốc ngoảnh lại vẫn thấy cô cậu đi bên...Cuối cùng họp mặt nhà thờ Đức Bà.

Lúc sắp chia tay mới hỏi Tôn Nhan : Sao cậu không « lặn » mà theo sát vậy ? NT Nhan nói : Trong túi tớ không có một đồng, còn cách nào khác...Cười. 

Một đêm Noel khác với NT Nhan và  Nguyễn Nho Nhượng (nhà thơ) gặp Yến, Hân, Huệ. Cả ba thằng đều không có nhiều tiền. Ba cô bé thì thầm bằng tiếng Quảng Đông, chắc là dân Chợ Lớn. Ba cô định đi ăn. Ta nói nhỏ với Nhan, thế là nhà Hán học tương lai đưa vào cafe Hà Nội. Anh tiếp viên đưa xấp giấy và cây bút. Nhan chia xấp giấy làm 3. Nhan cầm bút không ghi thức uống mà vẽ cô đối diện. Ta cũng vẽ, nhìn sang Nho Nhượng cũng vẽ. Nhan trường phái ấn tượng, với cái sừng trên tóc tượng trưng trong sáng và thông minh, khó hiểu. Ta tự nhiên theo ngẫu hứng. Chỉ Nhượng hiện thực. Nên các bé « ồ, giống quá ! ». Rồi cô nào cũng xin và đề nghị ghi tặng.

Noel với Nguyễn Chí Cao và Cao Doản (cùng trong tờ Hoa Đất Việt), Nguyễn Chí Cao cứ lẽo đẽo theo 3 cô bé tán hoài. Ta và Cao Doản theo sau, cứ thế.. .hết 3 cô này đến 3 cô khác. Thỉnh thoảng Cao thúc lên, ngừng lại chửi thề: Hai thằng mày lên tán mới được chứ, cứ theo sau cười hô hố, mình tao đứa nào theo... 

Những Noel 73, 74 với Phạm Duy Hưng, hẹn nhau vài thằng bạn lính, phòng trà Queen Bee của Khánh Ly. Nơi này thì bổn phận Hưng đặt bàn trước, từ đơn vị dù về, gặp nhau phá phách, ồn ào ...Ca sĩ amateur (tài tử) khá đông. Bài thịnh hành nhất vẫn là Kỷ vật cho em. Cũng bản nhạc này có lần một anh lính bụi bặm, đẹp trai, cụt chân chống nạn lên ca...Ấn tượng và được vỗ tay nhiều.

Những Noel thời trẻ trong chiến tranh chỉ có vậy. Rồi đường ai nấy đi, mất hút vào các địa danh của một thời, sau cái bắt tay và hẹn còn sống hay chưa lang thang trên mặt trăng sẽ gặp lại.

Thôi, ba ngưng đây. Con gái về, khệ nệ với các món ăn nửa đêm.
Điện thoại reo. Từ Nha Trang Tiến gọi chúc mừng giáng sinh. Buôn Mê Thuột Nam Quốc gọi về.
Đêm giáng sinh cả nhà vui vẻ.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Anh Lưu Quý Kỳ

Không nhớ rõ thời thơ ấu sống cùng anh bao lâu, trong ngôi nhà là tiệm thuốc bắc của cậu bên chợ Quảng Huế. Ngôi nhà có căn gác gỗ. Bên phải là chiếc bàn cao hình chữ L, chiếc tủ đứng rất nhiều ngăn kéo, rất nhiều tiềm và thẩu, tất cả vật đựngbên trong là thuốc bắc: sâm, linh, truật, thảo, trần bì, kiết cánh, táo tàu, nhãn nhục. Bên trái là hàng tạp hóa của mợ…

 

Anh Lưu Quý Kỳ là họa sĩ, cả truyền thần. Bởi thuở bé, tôi đã nhìn thấy trong tranh anh một chị người dân tộc, với gùi trên lưng, ống vố trên môi, phì phà khói thuốc lang thang khu chợ Quảng Huế. Hôm đó anh lên gác bảo tôi và Dũng đi xuống. Sau đó chúng tôi len lén lên, thì anh đã vẽ xong, bằng chì than, trên cỡ giấy 50x60 cm: cô gái thượng mang gùi, ngực trần, ngậm ống vố. Dũng nói: giống y chang, Ngọc nhỉ!

 

Rồi anh đi. Vài lần ghé về nhà với chiếc ô tô đen, bốn chỗ ngồi. Rồi anh đi suốt 30 năm. Sau giải phóng 1975, tôi mới gặp lại anh trong ngôi nhà ở đường Điện Biên Phủ.

 

Nghĩ đến anh, tôi nhớ bán nguyệt san Phổ thông của Nguyễn Vỹ. Bài báo “Người tù 79” (ở Trà Khê) viết về Lưu Quý Kỳ  - người tù số (…) là một đảng viên cộng sản, một họa sĩ,  một nhà báo, một thi sĩ, một thợ máy sửa ô tô…Và nhớ một lần chúng tôi đến chơi với anh Bùi Giáng (dân sống Trung Phước mà). Hôm đó chúng tôi đọc Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Anh Bùi Giáng hỏi: Chúng mày biết mấy người làm thơ về đèo Ngang? Hai. Không, ba: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, người thứ ba là Lưu Quý Kỳ, với bài Chị cán bộ Quảng Bình:

 

Tôi trên dốc Ba Rền xuống
Chị dưới dốc Ba Rền lên
Tình cờ gặp gỡ đôi bên
Một chiều mưa lạnh mông mênh núi rừng.

Chị đi chân bước ngập ngừng

Nẻo đường gai góc chập chùng đá cây

Chị ơi!...

 

Anh còn có cái duyên độc đáo của nhà diễn thuyết. Lôi cuốn, hấp dẫn và cảm tình.

 

Rồi một ngày của năm 1982, trời Phan Thiết âm u, nhàn nhạt, tôi nghe tin anh mất ở Thái Lan từ Đài Phát thanh Hà Nội.

 

Anh đi trong giai đoạn người em này khá chật vật. Không có tiền cho một cuốc xe từ Phan vào Sài Gòn, nói gì đến Quảng Nam, Hà Nội.

 

Vĩnh biệt anh.

 

Em cũng vừa đọc lại Ba mươi năm đó bây giờ là đây.

                                         

TB: Viết nhân Lưu Đình Triều – con trai anh vừa cho in tập sách Lưu Quý Kỳ - người nghệ sĩ tài ba độc đáo.