Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

49 ngày của mẹ

* Bài mẹ viết từ cảm xúc của chị Anh khi dì Sáu mất

21 ngày của mẹ

Mẹ ơi!

Con đặt di ảnh của mẹ trước điện Phật đây, mẹ nhé!

Mẹ hãy ngước nhìn tôn dung Đức Thế Tôn nghe mẹ. Mẹ đã từng nói với con “chỉ cần nhìn tôn dung Đức Thế Tôn là lòng mẹ đã bình an” kia mà. Con đang quỳ sát bên di ảnh của mẹ, con sẽ đại vì mẹ để đảnh lễ Phật trong khi quý sư cô tụng kinh. Mẹ cũng phải về lạy Phật với con nghen mẹ. Đây là tuần thất thứ 3 của mẹ đấy mà. Thất thứ ba rồi sao? Mới đây thôi đã 21 ngày rồi sao? Sao lại tới 21 ngày kia chứ? Rõ ràng hơi ấm của mẹ vẫn còn vương lại ấm áp trong đôi tay con. Rõ ràng con vẫn vừa mới nghe đây thôi tiếng mẹ gọi con lấy thuốc. Rõ ràng mẹ mới vừa bảo con: “Không sao đâu con, thỉnh thoảng mẹ vẫn đau như thế. Mẹ vuốt ngực và niệm Phật một lúc là hết đau ngay mà!”

Và mẹ con mình cùng niệm Phật. Thấy mẹ đau đớn, mặt mày tái nhợt... Con sợ quá, niệm Phật thật to. Rồi ... con chỉ nghe tiếng con niệm, một mình con niệm, một mình con hét to, một mình con gào to.

Mẹ ơi! Không phải vậy! Đó là tiếng gào của biển cả, tiếng thét của bão giông, tiếng vần vũ của mây đen từ bốn phương ùa về... Tất cả, tất cả ụp phủ xuống con, tối đen, lạnh ngắt.

Dì Út bảo cứ để mẹ nằm im như thế. Lấy mềnh đắp cho mẹ, treo mùng lên cho mẹ. Bật đèn sáng lên và lấy vải thấm dầu hôi, cột vào bốn chân giường để không cho kiến bò lên. Dì bảo hãy coi như mẹ đang say ngủ, khoan chông đèn đầu giường, khoan vắt cơm, luộc trứng và tất cả không được khóc. Hãy ngồi chung quanh giường niệm Phật tiễn mẹ đi. Mẹ đang chiến đấu một mình với nội ma và ngoại chướng. Chúng ta phải niệm Phật giúp mẹ.

Dì bảo làm gì..., anh chị em con cứ thế mà làm. Dì và mẹ đều là con của Phật. Dì nói: “Hãy nghe lời Phật dạy nếu các con thương mẹ!” Mà làm sao các con lại không thương mẹ kia chứ!

....

42 ngày của mẹ

Mẹ ơi! Quý sư cô đang tụng Kinh Địa Tạng cho mẹ đấy, mẹ có nghe không?

Như vậy là đến thất thứ sáu rồi đấy mẹ. 42 ngày con xa mẹ..., 42 ngày để con thấm thía tột cùng nỗi đau con mất mẹ. 42 ngày con xửng lửng xơ lơ như kẻ mất hồn. 42 ngày con trở về với ký ức của mẹ và con. Sao thế hở mẹ? Sao những năm tháng sống bên mẹ, con không nhận ra hết bao gian khổ, nhọc nhằn mà mẹ phải gánh chịu để nuôi các con của mẹ lớn khôn? Sao con không nhớ hết những lời mẹ dạy, những điều mẹ khuyên và nguồn yêu thương bất tận mà mẹ đã trao truyền? Sao con không nhìn kỹ, nhìn sâu vào những cam chịu của mẹ? Để rồi khi mất mẹ con lại lục lọi, kiếm tìm. Kìa là những lời mẹ dạy, kia là quang gánh mẹ oằn vai bởi cơm áo, đèn sách cho các con. Đây là nơi mẹ chông đèn hằng đêm làm bánh bán. Và chốn ấy, nơi kia, mẹ đã nghẹn khóc vì những lời cãi vả, bướng bỉnh của các con. Đằng kia, trên bộ ván gõ ở hiên nhà, nơi mẹ con mình thường nằm bên nhau cười rúc rích, nhất là những đêm trăng sáng và nghe mẹ kể chuyện về ba. Ôi! Bao nhiêu là hình ảnh mẹ. Từng phân vuông ô gạch trong nhà, ngoài sân, sau hè, trước nhà ... dáng mẹ đầy ắp hiện về, rồi cứu thế nỗi nhớ thương mẹ làm con như nghẹn thở. Và mẹ ơi! Mẹ có biết con đã sám hối hằng đêm trước bàn thờ Phật, bàn thờ mẹ vì những sai trái của con?

Còn một tuần nữa là thất 49 ngày của mẹ. Chúng con sẽ làm lễ trai tăng cho mẹ. Trong buổi lễ hôm ấy, ni sư bảo con đọc bài tác bạch. Mẹ phải giúp con bình tĩnh mẹ nhé! Con mà khóc thì không sao đọc tiếp được đâu. Và mẹ, mẹ phải xả bỏ tất cả, nhớ rõ những lời Phật dạy để được siêu sanh thoát hóa, mẹ nghen!

Vu Lan năm nay con về chùa mà sẽ không có mẹ đi cùng. Và đến giờ làm lễ Bông Hồng Cài Áo, con sẽ không còn được cài hoa hồng đỏ. Mọi năm, nhìn mẹ rưng rưng lệ khi cài hoa hồng trắng vì thương nhớ ngoại, con đâu hiểu hết nỗi buồn đau mất ngoại của mẹ. Con chỉ thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc vì có mẹ ở bên. Con đón nhận đóa hồng đỏ thắm với một niềm sung sướng tự hào, và con khẽ hát với đoàn Phật tử bài “Bông hồng cài áo” trong nguồn hạnh phúc mang mang. Năm nay, con mất mẹ rồi, con sẽ nhận hoa hồng trắng giống mẹ. Thế là mẹ con mình huề, mẹ nhé! Mẹ nhớ mẹ của mẹ và con nhớ mẹ của con.

“Đóa hoa hồng trắng như ghim vào tim mẹ. Mẹ đau vì mất mẹ thì ít, mà đau vì ân hận thì nhiều bởi có lỗi với ngoại của con. Mẹ mong sao, con mẹ sống ngoan hiền, để không phải chịu hai nỗi đau cùng lúc.”

Mẹ ơi! Mẹ sẽ không chịu một mình với hai nỗi đau. Con đã sẻ chia cùng mẹ rồi đấy. Con cũng có lỗi nhiều lắm với mẹ cơ mà. Và mẹ có bao dung, tha thứ (bởi mẹ chỉ có yêu thương), nhưng chính con, con không làm sao tha thứ được cho chính mình, khi đã không biết trân quý những năm tháng còn có mẹ.

Con sẽ viết tiếp vào thất 49 ngày của mẹ. Mà mẹ ơi! Mẹ phải về với Phật mẹ nhé! Con sẽ không khóc nhiều nữa đâu, không gọi mẹ nhiều nữa đâu. Con đã hiểu được lời Phật dạy rồi. Mẹ ơi! Mẹ hãy ngước nhìn chân dung Đức Từ Phụ kìa. Mẹ con mình cùng lạy Phật mẹ nhé!

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2007

Nói với Nhã Tâm và Nam Khương

Đầu óc ông lan man, không ngăn nắp, không mạch lạc, lung tung, ông viết gì đây.

Thời gian trôi... hai cháu lớn, không biết ông nội thế nào, ra sao, chỉ còn những tấm ảnh, nhưng không có gì quan trọng, không có gì đáng nói. Một ông già bình thường, như ông đã nói trong tập “Theo bước thời gian”. Điều quan trọng là ở Nhã Tâm và Nam Khương...

Ông tin các cháu sẽ không xem những truyện tranh tầm phào, lá cải, rẻ tiền. Nên đọc những sách làm người, lịch sử, địa dư, những sách văn học có giá trị, trinh thám, khoa học, những tác giả Nobel. Điều này có bố mẹ các cháu. Ông không nhớ ai đó đã nói: Một ngày không đọc sách như năm ngày không rửa mặt.

Và ông đã viết cho các cháu:

Pascal nói” “Cái tôi đáng ghét” và Nielszche: “Cái tôi ngày hôm qua đáng nghét.” Các cháu hiểu – đừng bao giờ nói về mình, nếu nói chỉ là sự tự trào (đêm cái tôi của mình làm cười cho chung quanh thì được).

Nhớ - luôn cởi mở, lịch sự với mọi người. Nếu chung đụng, tập thể, đừng tranh né công việc, không lười biếng, luôn hòa đồng. Đó là giá trị giáo dục của gia đình.

Cái xấu thì đầy khắp, cái tốt thật hiếm hoi. Hãy học những điều tốt, lẽ phải, tránh xa cái xấu. Cái xấu đôi khi là sự hủy diệt tâm hồn, là niềm ân hận lương tri, sự ung nhọt đầu óc, cái xấu luôn bị khinh, phỉ nhổ...

Và các cháu à, ở đây giữa ông và cháu, chứ không dám đụng đến tha nhân. Bởi kẻ biết luôn im lặng, kẻ không hiểu gì ưa khuyên người khác. Ông thường bắt gặp những ông già, những người lớn ưa khuyên tuổi trẻ thế này, thế nọ. Ông vẫn nghĩ: tuổi trẻ là tuổi trẻ, đừng bắt tuổi trẻ giống tuổi già. Tuổi già là tuổi của nghĩa trang, tuổi trẻ là thế hệ đang vươn lên, đang khỏe và tiến tới, là tuổi của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo v.v và v.v, thế hệ @ mà.

Ông lẩm cẩm, cái lẩm cẩm của yêu thương, của mong muốn và hy vọng.

Thời gian này Nhã Tâm 5 tuổi, Nam Khương vừa vui với Sinh nhật 2 tuổi. Sinh nhật tổ chức trễ một ngày. Bởi bố Quốc bận dự đám cưới người bạn thân ở Sài Gòn, không về kịp. Chả biết Nam Khương nói rõ chưa, chứ tấm ảnh cầm micro song ca với bạn gái rất ấn tượng – y chang ca sĩ.

Sài Gòn những ngày mưa nhẹ và gió lớn, ông thì mới... 71.

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

Bồng bềnh

Bồng bềnh

Bảy mươi mốt tuổi nhẹ nhàng

Âu lo vứt bỏ nợ nần lùi xa

Lang thang sớm sớm chiều tà

Cà phê vài cử cơm nhà vô tư

Ba con vui vẻ hiền từ

Lai rai bỏ túi bì thư ta xài

Từ xa trời đất chia hai

Ta mong chia lại cho ai bây giờ

Cuộc đời là một bài thơ

Mây bay gió thoảng mộng mơ vơi đầy

Cám ơn một thuở chân mây

Để ta thừa hưởng quãng ngày hôm nay

Lang thang khắp chốn đời này

Còn yêu mãi mãi con người trần gian.