Thứ Hai, 4 tháng 6, 2007

Nơi chốn một thời

Từ Sài Gòn, theo Quốc lộ 1 ra đến địa đầu Phan Thiết, qua cầu số 5, qua cầu 40 (còn có tên cầu ông Nhiễu), vòng một khúc quanh, nhìn tay trái, sẽ thấy những chồng tỉn chất cao nối dài nghiêng nghiêng ánh sáng, trông rất lạ mắt, rất nghệ thuật.

Đó là một thời ta mới đến. Bây giờ không còn sót một mảnh tỉn nào. Bây giờ con ta hỏi: “Cái tỉn hình dáng thế nào hở ba?”

Đã thay đổi hoàn toàn – lò tỉn cây số 3, bây giờ là vila, là nhà cửa, là công ty, là hãng nước đá, là nhà nối nhà khang trang, nhưng lạc lỏng.

Trẻ con thời đó gặp người lớn là vòng tay cúi đầu. Bây giờ khác, la hét, ngổ ngáo.

Nơi đó, ta đã nợ quá nhiều, sự chất phát và lòng tương thân tương ái. Cái bơ vơ, túng thiếu được xóm làng quan tâm. Không biết gặt hái, ông Tư cũng gọi ra đồng. Nhà dột, bà Tư M, bà bảy H cho mượn thóc.

Một kẻ lang thang, chỉ có café, thuốc lá cũng được bà con lao động cho vào toán bốc vát:khoai lang, cá, nước đá. Thời vừa làm vừa dấu, khiêng vội vã lên xe bà Hai Cây Dừa, bà Na, xe cũng vội vã lao đi trong đêm, có khi chưa bỏ hết hàng, đã phải chạy.

Có những khuya chờ xe nước đá từ Sài Gòn ra, lặng lẽ vát vào nơi phủ dấu, như hàng cấm, như chất nổ. Thời mà nơi này có 5, 3 kg gạo không mang đi nơi khác được. Cá Phan Thiết không lén lút mang vào Sài Gòn, thì chỉ có làm nước mắm, rồi nước mắm cũng tiêu thụ ở Phan Thiết mà thôi.

Thời kỳ đó đã rêu cỏ, đã bay xa…

Ba đứa con ta đã lớn ở nơi này, bên dòng sông Cà TY đùng đục, eo xèo, bên QL1 A xiên xiên sáng nắng mưa chiều với bobo, rau muống, nói rau muống là nhớ chị H với lòng biết ơn.

Làm ruộng cũng thua, làm công nhân nước mắm cũng bệnh. Cuối cùng chiếc quán nhỏ bên đường với 5, 7 em học trò. Có lần mấy cậu bé ngừng xe đạp, nhìn vào và nói: giống chuồng bò quá.

Thời gian trôi theo chiếc xe đạp mini màu trắng, đỏ rồi xanh, sáng sáng vào chợ, lộc cộc, chầm chậm về nhà như kim đồng hồ với lỉnh kỉnh bánh kẹo, tạp hóa và mồ hôi lên dốc.

Những đứa con bắt đầu từ trường thôn, phường… rồi đến KTX Sài Gòn. Năm thứ hai đã tìm việc làm, đã đi dạy kèm và được học bổng, bởi mỗi tháng ta chỉ có vài trăm ngàn gởi nuôi.

Rồi ra trường từng đứa, từng đứa, đều có cơ quan, công ty nhận vào làm việc. Đó là sự may mắn và lòng cố gắng. Đó là công lao giáo dục của một người mẹ. Ra trường lao vào công việc, không có cả những ngày giải lao, di lịch như bạn bè. Có người sẽ bảo tiền đâu đi du lịch. Không sao, cậu con lớn năm thứ hai với chiếc máy ảnh PETRI đã đi xuyên ½ miền Trung: Nha Trang, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An và Huế với vỏn vẹn 150.000 đồng xin mẹ.

Bây giờ cuộc sống gia đình đã ổn, các con đều ý thức và đứng vững trên đôi chân mình. Điều ta an tâm và vừa lòng là các con biết yêu thương nhau, biết trải lòng với tha nhân, biết kẻ lớn người nhỏ.

Có điều làm ta thoáng buồn là sự hiểu lầm của mấy anh con nhà cậu (bên ngoại) trông rất gần mà cũng xa vời vợi… bởi mặc cảm và lòng trắc ẩn. Phải chi nhìn thẳng vào sự việc, công bằng và chân thật thì hay biết mấy…Nhưng biết nói sao, sự hiểu lầm với lòng nông cạn và ích kỷ.

Xin dừng với hai câu:

“Nghe như hoa cỏ bên đường

Vang lên âm điệu yêu thương cuộc đời.”

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2007

Ngọn đèn trong ngôi chùa cổ

Ngọn đèn trong ngôi chùa cổ (*)

Chùa ở thôn tôi, ngày ấy, đã cổ lắm rồi, rêu phong theo thời gian phủ đầy một lớp hoang lạnh. Chùa lại nằm sâu trong xóm cát, bên trái và sau chùa là một vùng nghĩa địa dày đặc mồ mả. Dân trong thôn gọi là nghĩa trũng.

Ấy thế mà, hằng năm cứ đến ngày Phật đản, tôi lại đưa ba đứa con nhỏ của tôi lên ngôi chùa cổ ấy lễ Phật. Tôi cũng không sao lý giải tâm trạng của tôi lúc ấy, tôi chỉ biết rằng, nếu mẹ con tôi đi dự lễ Phật đản ở chùa Tỉnh Hội, hay về chùa thầy tôi, thì rất đông vui. Tại những ngôi chùa này, các con tôi sẽ được nhìn thấy lễ Phật đản do các tăng ni và Phật tử tổ chức thật long trọng như thế nào.

Tất cả tăng ni và Phật tử vân tập về chùa Tỉnh Hội với nào là cờ hoa, nhạc lễ… Người người chen nhau vui mừng đón lễ như một ngày hội lớn. Các con tôi rồi sẽ căng mắt, lòng chúng sẽ rộn rã. Tai chúng sẽ nghe bao nhiêu là âm thanh và trái tim chúng sẽ rộn ràng với vô vàn cảm xúc. Thế nhưng, sự lựa chọn của tôi thật là “kỳ cục”. Tôi đã đưa ba đứa trẻ thơ về ngôi chùa cổ, vừa hoang sơ, vừa lạnh lẽo, lại không có một bóng người, trừ một bà vãi già hằng ngày trông nom, quét dọn chùa, chong đèn, thắp hương chánh điện…

Những cánh cửa gỗ của chánh điện chỉ được mở toang ra khi mẹ con tôi về. Trên điện Phật không có một cành hoa, một đĩa trái cây đã đành, mà cây đèn dầu nhỏ cũng không được thắp sáng vì phải để giành dầu thắp vào buổi tối.

Dì Năm, bà vãi của chùa, rất vui khi gặp mẹ con tôi. Dì lúc nào cũng yêu thương và mong mỏi tôi về chùa. Có lẽ sự “ồn ào” của mẹ con tôi làm dì ấm lòng trong ngôi chùa quá ư lạnh lẽo. Rồi năm nào cũng vậy, dì và tôi thắp đèn dâng hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ, bàn thờ đức Quan Thế Âm… Sau đó dì trang nghiêm thỉnh chuông cho mẹ con tôi lạy Phật. Chùa nghèo, dì nghèo, gia đình tôi cũng nghèo… và chúng tôi đón lễ Phật đản chỉ có thế thôi.

Tâm trạng tôi lúc đấy như đứa con đi hoang trở về. Tôi đãnh lễ đức Thế Tôn mà như muốn phủ phục trước tôn dung ngài, đi tìm về một chốn nương tựa để có chút bình yên. Lòng tôi tràn đầy thổn thức, và tôi nghe trong tôi nỗi nhớ đức Thế Tôn đến cồn cào quay quắt. Tôi thầm gọi Ngài, mặc cho nước mắt chan hòa. Tôi đảnh lễ ngài với lòng biết ơn vô hạn. Tôi lạy ngài với sự sám hối ăn năn. Tôi muốn thưa Ngài: sau nỗi nhớ ngài đong đầy trong con, sao con lúc nào cũng mãi là tên cùng tử đáng thương?

Sao mẹ khóc? Mẹ nhớ Phật! Ông Phật này ư? Ừ! Ông Phật này.

Ông Phật của tôi, một tượng Phật bằng đất mà mấy mươi năm qua đã an vị trong ngôi nhà này, đã khắc cốt trong tâm trí tôi mỗi lúc tôi tưởng nhớ, trong nỗi vui buồn. Và nếu như đến ngày Phật đản, tôi không về quỳ trước tôn dung ngài, là tôi thấy mình như có tội, y như tôi không sao gặp được đức Từ Phụ của tôi. Là tôi thấy mình còn ham vui mới về chùa Tỉnh Hội, chùa thầy tôi - những ngôi chùa thật đẹp, thật đông ở dưới phố. Điều đó, tôi nghĩ thật là bất công cho ngôi chùa cổ trong thôn vẫn phải cửa đóng và không ai thấp đèn dâng hương nhân ngày Phật đản. Và cứ thế, mỗi năm vào những ngày vía, tôi một mình cùng với các con tìm về ngôi chùa cổ, ngôi chùa với tuổi thơ vô vàn kỷ niệm thân yêu. Cũng chính nơi đây, tôi kể cho các con tôi nghe về lịch sử đức Thế Tôn, những câu chuyện tiền thân của ngài. Và nơi đây cũng là chiếc nôi chánh pháp cho ra đời bao thế hệ Phật tử. Tôi kể về vị thầy sáng lập ra ngôi chùa này, kể về các sinh hoạt của gia đình Phật tử mà tôi và bè bạn trong thôn đã sinh hoạt từ khi còn là Oanh Vũ đến khi là huynh trưởng.

Cũng chính ngôi chùa cổ này, tôi đã dạy ba con tôi ba điều luật của ngành Oanh: Em tưởng nhớ Phật; Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; Em thương người và vật. Chỉ từ ba điều luật này, tôi triển khai dần theo năm tháng, để nuôi dưỡng các con tôi theo chánh pháp, và khi các con tôi khôn lớn thì cũng là lúc chúng đón nhận đầy đủ những tinh hoa từ kinh sách và những lời giảng dạy của các bậc tôn túc. Tôi chỉ xây cho con tôi một cái nền, các con tôi tự xây cho chúng một ngôi nhà theo quan điểm của chúng. Và cả gia đình tôi luôn tâm niệm không ngừng rắng: đời đời kiếp kiếp nguyện sống trong chánh pháp của Như Lai.

Giờ đây, tôi đã già, bao bệnh tật và vất vả đã khiến nhiều lần tôi bước những bước quàng xiên vào ma đạo “đã là con Phật mà chiến bại trong cuộc chiến với nội ma và ngoại chướng, thì không lạc vào ma đạo là còn gì?” Cũng may, có các con tôi, chúng còn trẻ, còn hồn nhiên trong sáng và đôi lần chúng dìu tôi đứng dậy. Các con tôi, giờ đây là thiện tri thức của tôi, và tôi, tôi giống như ngôi chùa cũ ngày xưa, được các con tôi thắp lên ngọn đèn rực sáng cho lòng tôi ấm lại, xua tan dần những tạp niệm muộn phiền.

LỆ TÂM (Phan Thiết)

(*) Bài mẹ viết tặng ba con yêu của mẹ: Nam Quốc, Linh Thoại, Lan Nhã.