Thứ Hai, 29 tháng 1, 2007

Hẹn trở lại Buôn Mê Thuột

Nhã Tâm, Nam Khương lớn lên trên vùng cao nguyên đầy sỏi đá, với lên đồi, xuống dốc. Vùng núi rừng có một loài hoa đã ghi đậm vào tâm trí ông, loài hoa vàng rực, sống khỏe và vươn cao trên sỏi đá. Đó là hoa dã quỳ, mọc hai bên đường đi của sương gió núi đồi. Giống như hoa Fuki của Nhật, mọc và sống mạnh mẽ trên vùng băng tuyết. Người Nhật trân trọng, quý như hoa sen của ta. Còn ông, ông nghĩ nó giống hoa Dã quỳ của cao nguyên Việt Nam. Loài hoa mà ở đồng bằng, thành phố ít ai biết. Như người Nhật say sưa với hoa anh đào chứ ít ai chiêm ngưỡng hoa Fuki.

Hai lần ông đến BMT là hai mùa hoa Dã quỳ rực rỡ, rung rinh trong gió, cái gió lành lạnh của núi đồi, cái gió nghiêng nghiêng ngàn hoa làm nao lòng người.

Vâng, ông hứa trở lại BMT vào mùa hoa Dã quỳ nở. Loài hoa phong sương chứ không cao sang như thược dược, như cúc, không quý phái như quỳnh, trà mi, không đằm thắm, trang trọng hoa hồng.

Đó là hoa dã quỳ miền hoang giả, hoa dã quỳ của Nhã Tâm, Nam Khương.

Viết cho cháu nội

Hôm nay ông viết về AQ. IQ là trí tuệ. EQ là cảm xúc.

Nhà tâm lý học Paul G. Stoltz (Mỹ) cho ra đời AQ tháng 5 năm 1999. Đã phát hành tác phẩm Adversity Quotient. Đó là chỉ số dùng để đo xem ai có thể đương đầu và đương đầu có hiệu quả trước bất hạnh và nghịch cảnh.

Walt Disney tự bạch về thời lận đận của ông:

1/ Khó khăn không ở hoàn cảnh bó tay mà ở chí khí cạn kiệt khiến ta không quyết tiến.

2/ Ta phải tiến cả những lúc trắng tay, không tiền để mua báo. Nhưng lặn lội đến sạp báo hoặc thư viện để xem báo, đó là một cách để tiến.

3/ Khi có tiền mà không lo học hành và luyện tập kể như không tiến. Đó là lúc tiền dư mà chí khí thì mất sạch.

Thông điệp của giới truyền thông Singapore:

_ Những ai không muốn làm nô lệ cho kẻ khác, nhưng lại sẵn sàng làm nô lệ cho đồng tiền, người đó có chỉ số AQ rất thấp.

_ Trước áp lực của đồng tiền, người nào không làm nô lệ cho đồng tiền và vật chất, người đó có chỉ số AQ cao.

_ Chủ nghĩa thực dụng lấy đồng tiền làm thước đo giá trị bản thân, kể cả khi đồng tiền vấy bẩn.

_ Kẻ học làm sang, nhưng không biết làm người, luôn lấy áo quần, tư trang, xe cộ làm vật trang sức cho giá trị bản thân.

_ Kẻ không biết giá trị con người chân chính, luôn lấy tiện nghi vật chất để thẩm định giá trị bản thân và giá trị của người khác.

Như vậy, khi còn trẻ mà biết nuôi chí lớn, đồng thời có đầy dũng khí để thực hiện chí lớn. Đó chính là cách đầu tư chiều sâu và căn bản cho mọi giá trị cao cả của bản thân.

Nhã Tâm – Rồi bé lớn lên, dĩ nhiên ông không còn, ông cũng không hình dung được lớn lên bé như thế nào, học hành ra sao và những dòng ông viết, ông muốn bé đọc vào giai đoạn học lớp 10. Vâng, lớp 10, bé sẽ đủ bản lĩnh để hiểu phần nào cuộc sống. Ông cũng hy vọng, nền giáo dục nước ta sẽ đổi thay và tiến bộ khi bé lớn.

Ông buồn và e ngại nền giáo dục hiện tại mà báo chí bây giờ dùng từ “rùng mình”. Tốt nghiệp lớp 12: 99,1%; thi Đại học 70% từ 0 ~ 1 điểm. Điều này thật tình “Hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu.”

Còn điểm ưu tiên vào Đại học, đó là một lỗi lầm. Ưu tiên vấn đề gì chứ không thể ưu tiên điểm, trí thức. Sự hiểu biết là vốn riêng của từng người, làm sao mà cho thêm.

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2007

Với Nhã Tâm thời 9 tháng tuổi

Nắng phủ đầy trên cây trứng cá, lá loang lổ chiếc bóng xuống thềm, rung rinh, rung rinh màu lam lục, li ti mờ ảo. Rừng dưới xa, chỉ một màu sẫm, chập chùng thấp cao đến chân trời xám nhạc. Gió qua cành trứng cá xào xạc, rơi vài cánh nhỏ, lẻ loi mấy trái tròn hồng.

Buổi sáng như mơ hồ, lửng thửng trôi đi. Nắng loang loáng màu vàng mơ. Bà cho bé ăn cháo dưới bóng râm, trên thềm nhà. Bé say sưa nắm bắt ánh sáng rung rinh dưới vòm cây, ăn một cách lơ là…

Bé ngủ trên chiếc nôi tự động, ông còn công việc để làm, hoặc uống trà, đọc báo. Nếu bé nằm trên chiếc võng, phải có người túc trực đẩy đưa, bởi ngưng là bé thức tỉnh. Ông nghĩ, bé sẽ nói: “Sao ông không vừa đưa vừa đọc báo.” Được đấy, nhưng bé e e ông phải hát. Mà ông thử rồi, vừa đọc báo vừa hát ru khó lắm.

Đêm qua, mưa thật lớn, nước sau nhà không thoát kịp, tràn vào. Ba Quốc tả xung hữu đột, than lạnh. Mẹ Vi đi làm về cũng ướt, xe mang một vũng nước vào nhà.

Lời bình của bà nội – Trong giấc ngủ bé đẹp làm sao, ở ngoài đẹp hơn trong ảnh. Ông thì không nghĩ vậy. Trong ảnh sẽ giữ lại những khoảng khắc, những bất chợt, những điểm sáng mà ta không giữ lại được. Rồi thời gian bao nhiêu năm sau, làm sao nhìn lại được những nét khóc, những nụ cười hôm nay. Chỉ có tấm ảnh mới giữ mãi được những đường nét sẽ phai tàn theo năm tháng phôi pha ấy. Đó là kỷ niệm còn lưu giữ. Có lẽ vì thế, mà ông thích vẽ, thích nhiếp ảnh từ khi còn niên thiếu. Những năm tháng lang thang, ông không còn giữ được một tấm ảnh nào mình vẽ. Nhưng ông biết, ở Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Sài Gòn… đâu đó vẫn còn những tấm 30 x40 – 24x30 ông vẽ.

Bây giờ thì tay ông củi mục, không làm được gì. Bà nội vẫn nói: tiếng thì có miếng thì không. Còn thói quen thì luôn vẽ những số 0, tưởng tưởng ở mọi nơi, trên thân thể, trong không trung, vi vu, không không, có có.

Với ông, bé Nhã Tâm là một người công bằng. Không chỉ mẹ đến rồi đi, bé phản đối. Không phải bố, bà mà tất cả mọi người, cả chị Lỳ và cả những đứa trẻ, ai đến rồi đi, bé không chịu. Ông nội là nhân vật dỏm nhất, vụng về nhất, đến rồi đi, bé còn không chịu, thì công bằng quá đấy chứ.

Có một buổi sáng, ngoài sân nắng mong manh, Nhã Tâm và Hoàng Khải với hai chiếc xe con cua tám càng đua nhau rào rạo trên sân. Chạy thật mau, xiêu xiêu, vẹo vẹo…nhặt từng mảnh sinh tố D.

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2007

Thời gian đi qua

Ta chỉ có sự suy nghĩ, chỉ có tấm lòng, chứ ta không làm được gì, dù nhỏ nhặt. Như nghe Lan Nhã kể về vợ chồng bé – hai con, làm mỗi tháng chưa được 2 triệu, mà sống giữa Sài Gòn, vất vả biết chừng nào. Như Hòa – Thanh, cu Đen, Milo với con bò… Mà thôi, vẫn ngoài vòng tay, mà trên đời này làm sao kể xiết, như trên báo Tuổi Trẻ, mỗi ngày biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu chuyện thương tâm, mỗi ngày một phóng sự, ký sự bi thảm

Ta đã sai phạm một thời. Cũng có một thời buổi sáng La pagote Thanh Bạch, buổi trưa Thanh Bạch (Lê Lợi), Thanh Bạch (Phạm Ngũ Lão). Buổi chiều cơm bình dân trong hẽm, cổng số 6 hay đêm về bánh mì Cao Thắng, lang thang – lang thang…

Một thời khói lửa, bởi vậy, một thời tử thần réo gọi, một thời bất cần, một thời sống theo sagen, theo sarte. Rồi một thời sình lầy, khe suối, một thời nhìn lá đổ, đất tung. Rồi một thời chòi lá ven đường, quán cóc, học trò… nuôi các con khôn lớn.

Ta vẫn là cái bóng tàn tạ của thời gian… Nhưng ta còn có nụ cười… và bây giờ an tâm, vừa lòng, ta rất vừa lòng với ba đứa con. Vâng! Ta an tâm rồi, lớn cả rồi và cũng có một chút kiến thức với đời. Trí thức, kiến thức không có nghĩa là bằng cấp cao, địa vị lớn trong xã hội – mà là người có hiểu biết, có trách nhiệm với đời, với tha nhân, là người làm và chịu trách nhiệm việc mình làm.