Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Anh Lưu Quý Kỳ

Không nhớ rõ thời thơ ấu sống cùng anh bao lâu, trong ngôi nhà là tiệm thuốc bắc của cậu bên chợ Quảng Huế. Ngôi nhà có căn gác gỗ. Bên phải là chiếc bàn cao hình chữ L, chiếc tủ đứng rất nhiều ngăn kéo, rất nhiều tiềm và thẩu, tất cả vật đựngbên trong là thuốc bắc: sâm, linh, truật, thảo, trần bì, kiết cánh, táo tàu, nhãn nhục. Bên trái là hàng tạp hóa của mợ…

 

Anh Lưu Quý Kỳ là họa sĩ, cả truyền thần. Bởi thuở bé, tôi đã nhìn thấy trong tranh anh một chị người dân tộc, với gùi trên lưng, ống vố trên môi, phì phà khói thuốc lang thang khu chợ Quảng Huế. Hôm đó anh lên gác bảo tôi và Dũng đi xuống. Sau đó chúng tôi len lén lên, thì anh đã vẽ xong, bằng chì than, trên cỡ giấy 50x60 cm: cô gái thượng mang gùi, ngực trần, ngậm ống vố. Dũng nói: giống y chang, Ngọc nhỉ!

 

Rồi anh đi. Vài lần ghé về nhà với chiếc ô tô đen, bốn chỗ ngồi. Rồi anh đi suốt 30 năm. Sau giải phóng 1975, tôi mới gặp lại anh trong ngôi nhà ở đường Điện Biên Phủ.

 

Nghĩ đến anh, tôi nhớ bán nguyệt san Phổ thông của Nguyễn Vỹ. Bài báo “Người tù 79” (ở Trà Khê) viết về Lưu Quý Kỳ  - người tù số (…) là một đảng viên cộng sản, một họa sĩ,  một nhà báo, một thi sĩ, một thợ máy sửa ô tô…Và nhớ một lần chúng tôi đến chơi với anh Bùi Giáng (dân sống Trung Phước mà). Hôm đó chúng tôi đọc Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Anh Bùi Giáng hỏi: Chúng mày biết mấy người làm thơ về đèo Ngang? Hai. Không, ba: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, người thứ ba là Lưu Quý Kỳ, với bài Chị cán bộ Quảng Bình:

 

Tôi trên dốc Ba Rền xuống
Chị dưới dốc Ba Rền lên
Tình cờ gặp gỡ đôi bên
Một chiều mưa lạnh mông mênh núi rừng.

Chị đi chân bước ngập ngừng

Nẻo đường gai góc chập chùng đá cây

Chị ơi!...

 

Anh còn có cái duyên độc đáo của nhà diễn thuyết. Lôi cuốn, hấp dẫn và cảm tình.

 

Rồi một ngày của năm 1982, trời Phan Thiết âm u, nhàn nhạt, tôi nghe tin anh mất ở Thái Lan từ Đài Phát thanh Hà Nội.

 

Anh đi trong giai đoạn người em này khá chật vật. Không có tiền cho một cuốc xe từ Phan vào Sài Gòn, nói gì đến Quảng Nam, Hà Nội.

 

Vĩnh biệt anh.

 

Em cũng vừa đọc lại Ba mươi năm đó bây giờ là đây.

                                         

TB: Viết nhân Lưu Đình Triều – con trai anh vừa cho in tập sách Lưu Quý Kỳ - người nghệ sĩ tài ba độc đáo.

1 nhận xét:

  1. Đọc bài ni thấy thời gian, không gian lẫn những người xưa cũ... muôn vàn kính yêu.

    Trả lờiXóa