Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Trở lại Sài Gòn

Trở lại Sài Gòn

Năm 2002

28 năm sau trở lại Sài Gòn. Xa lạ, lạc loài.

Ngoảnh nhìn lại cả một thời phong ba, bão táp, khủng hoảnh tận cùng.

Không nhớ, lần đầu gặp Viễn dịp tất niên nhà Triều, hay đám giỗ nhà Tú. Chiếc bàn bên trong, Viễn đưa cao ly bia và nói: “Đại bàng, đại bàng vào đây.” Ta bưng ly bia đến và nói: “Cậu không là đại bàng, đại bàng bay mỗi ngày một nghìn dặm, cậu chỉ là chim tước, mỗi ngày bay mười thước. Cũng không còn là chim tước. Bây giờ cậu chỉ là chim cánh cụt, rung đôi cánh nhỏ giữa băng hà.

Cậu trở lại Sài Gòn là đúng, thế giới của cậu mà. Những quán cà phê bây giờ rất văn nghệ, rất tuyệt vời, nhạc vẫn thế, nhưng không gian mỗi nơi một vẻ, mười phân vẹn mười. Không phải không gian gò bó, chật hẹp như Kim Sơn, Hà Nội, Mai Hương, Grival, Brodard đường Lê Lợi.

Xưa không có được cái không gian của sự chuyển động như Go Go trên đường Trần Huy Liệu, quán có nhiều góc cạnh khác nhau, tầng hầm dành cho tuổi trẻ, khuông sân nhỏ bên ngoài cho người thích cái bao la của mây trời. Sẽ tìm gặp ở đây: hội họa, âm nhạc, điện ảnh và thơ.

Nirvana, 37 Nguyễn Đình Chiểu như nơi chốn tìm về của sự bình yên.

Quán Era trên đường Trần Quốc Thảo, có thể gọi quán sách, một không gian trọn vẹn của âm nhạc, không khí cho những câu chuyện không lời, bồng bềnh, mờ ảo…

Một mảnh vườn sinh thái giữa phố ồn ào, quán cà phê Tĩnh Lặng 61A Phan Đình Phùng, hoa lá, cây cảnh, ao nước, cây cầu, nhìn nơi rong chơi của đàn cá, đúng là tĩnh lặng của miền quê. Đến đây để thấy, đời xanh hơn, giản dị hơn, nhẹ nhàng và chân chất. Trong veo như tiếng chuông gió đâu đó trên cành cây.

AQ bên cổng Cư xá Đô Thành đường Điện Biên Phủ không máng dáng dấp của quán cà phê của một quán nhạc, như một nhà hàng normal (trung bình), những tiếp viên jupe đen đồng phục cúi đầu mời mọc. Nơi đây trả 20 ngàn một ly cà phê, hơi tiếc.

Trải dài thoáng mát như Khúc ban chiều, nơi mà Ch lắc đầu với ly trà 35.000.

Mà con, có bản lĩnh nhưng kém đô la. Ngày trước mặt còn nhiều, hôm nay ngày, ngày mai ngày, ngày còn mãi mãi. Hẹn cậu và Sài Gòn bao giờ cũng tuyệt.

Tất cả đã chìm xa, cậu bây giờ:

70 chạm xuống mảnh hồn

Đưa tay nắm bắt chỉ còn vu vơ

Đường xưa lối cũ mịt mờ

Còn đây năm tháng với thơ và người.

Cho ta cả một hoàng hôn nồng ấm

Để ta quên hoa râm trên đầu tóc

Để ta quên thời gian đầy bụi bặm

Tháng năm trôi trên biển lửa bồng bềnh.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Ngày nhà giáo

Năm nay khác với bao nhiêu năm qua – nhà giáo năm nay được đề cao, được nhắc đến, được nói nhiều trên báo chí, trên truyền hình.

Nhà giáo Trần Tuấn Anh như một cuộc cách mạng giáo dục. Ta thấy vui và nhớ ra gia đình cũng nhiều nhà giáo đấy chứ: Dung, Trang, Ánh, Nga; thế hệ tiếp là Hải Đường, Hải Vân.

Phải chăng là một thiếu sót khi nói đến ngành giáo dục, mà quên những bậc đàn anh trong gia tộc, đó là: L.Q. Chiểu, V.C. Hạnh, Ph.T. Chiến đã về hưu...

Chúc mừng – và một bông hồng cho mỗi nhà giáo trong gia đình.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

Đêm trăng trên sông Thu Bồn


Thời đó, Câu Lâu chưa có một cầu, hai cầu như bây giờ.

Những hàng quán trên bến cũng là nhà nghỉ. Tôi ngồi dựa lưng vào vách, lim dim để còn sức vượt đường rừng núi gồ ghề, trên chuyến xe cà tàng đêm Trung Phước.

Chiếc xe Phi Long vừa dừng, mọi người ào vào nhà nghỉ. Tôi mở mắt hai tà áo dài khoan thai nhẹ nhàng bước vào, nổi bật giữa cái khô cằn nắng cháy.

Người lơ đứng bên chiếc Lanrover biến thể la to: Lên xe… Tôi và người đồng hành ngồi bên tài xế, nhìn ra sau hai cô gái đã yên vị. Xe chạy được hai cây số thì banh. Mọi người tản mác tìm phương tiện di chuyển. Hai cô gái đi với bà cụ và hai chúng tôi thuê xe ngựa, ra bờ sông thúc thuyền ngược dòng lên Trung Phước.

Trên thuyền, người đồng hành sau lái, bà cụ khoan sau, trước mui tôi, Thu và Yến, lúc này chúng tôi đã quen nhau.

Trên dòng sông Thu Bồn, thỉnh thoảng gặp một xe nước kết vòng tròn to, bằng ống tre, đưa nước vào ruộng. Những nơi này dòng nước bị ngăn lại để chạy mạnh mới đẩy vòng bánh xe quay, những ống tre nghiêng nghiêng, múc nước đưa lên cao, đổ lên máng chảy vào cánh đồng.

Mỗi lần thuyền qua nơi này ngược dòng chảy xiết, thật vất vả và nước tung tóe, chúng tôi nhích sát vào nhua, câu chuyện càng lúc càng thân mật.

Thu và Yến người Hà Nội sống ở Sài Gòn, dịp hè ra thăm bố ở mỏ than Nông Sơn. Còn tôi, mỗi hè tìm đến một vùng quê, như là du ngoạn. Mà lần này lên nguồn của Bùi Giáng. Thu hỏi: Bùi Giáng là ai? Tôi nói: Bùi Giáng là thi sĩ, họa sĩ, triết gia, dịch giả. Anh nói về Bùi Giáng cho tụi này nghe. Bùi Giáng thì nói bao giờ hết. Đọc vài ba câu của Bùi Giáng nghe nhé:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

Đó là hai câu đầu trong tập “Mưa nguồn”

Ta yêu mến trần gian này mãi mãi

Vì nơi đây ta có cả vui sầu…

Hỏi rằng quê ở nơi đâu

Thưa rằng đã ở từ lâu quê nhà

Sài Gòn chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn.

Bùi Giáng là thế đó. Tôi cũng vừa đọc “Khung cửa hẹp”, “Hòa âm điền giả”, truyện của Anderegita Bùi Giáng dịch. Tôi cũng đọc triết lý Heideger sau khi ông T.T.Đ viết trong tờ Đại học Huế - không có triết lý Heideger…

Cả bọn lại bắt qua Xuân Diệu. Yến nói: cái trăng trong vườn của X.D làm sao đẹp bằng cái trăng thênh thang bồng bềnh trên sông Thu Bồn đêm nay. Thu hỏi: “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” của X.D? Tôi nói: Hàn Mặc Tử. Yến bảo: Của Bích Khê và nói: Em thích Nguyễn Du, tôi rất tâm đắc hai câu của N.D

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không

Anh khôn quá, lợi dụng quá, mà có nằm trong: Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Mai sau dù có bao giờ

Biết lò hương ấy so tơ phiếm này

Hai câu tôi viết trang đầu trong tập “Hồn du tử” của mình. Anh có mang theo tập thơ đó không? Đã kiểm duyệt, cho phép, nhưng tôi không có tiền in. Anh đọc nghe đi. Tôi đọc bốn câu đầu tiên thôi nhé:

Bơ vơ từ buổi lên đường

Vòng tay giá lạnh đoạn trường đó em

Mịt mù đâu một dáng chim

Mười phương hoang vắng đi tìm dáng yêu.

Anh đã gặp cánh chim nào chưa? Có lẽ và tôi hy vọng…

Lúc này có chiếc ca nô chạy vòng tròn, tắt máy ép sát vào thuyền, đón bà cụ và hai cô gái lên mỏ than Nông Sơn. Dìu bà cụ sang ca nô, tài công vội vàng nổ máy… Tôi chỉ còn nghe tiếng Thu chìm trong tiếng máy nổ, số …, đường Hai Bà Trưng.

Chiếc ca nô lướt sóng, hai tà áo dài trắng in trên nền trời nước thật huyền ảo, thật liêu trai…Chỉ còn một vệt khuất dần trên sông trăng, bỏ lại chiếc thuyền bé nhỏ, lênh đênh giữa dòng rộng lớn. Trăng chao đảo, động vành cả bầu trời, nhìn lại phía sau là Hòn Ngang, như chắn lối quay về.

Trung Phước một làng quê với nhà cửa, quán xá xác xơ im ắng của thời chiến. Tôi tìm không được nhà Phước và Luân, bạn học cũng là em của tác giả Mưa nguồn.

Buổi sáng, đứng bên này nhánh sông Thu Bồn, quê hương của Trường Linh thi sĩ, bên kia là mỏ than Nông Sơn. Với chiếc máy Roleiflex, tôi đi qua đi lại tìm góc cạnh để ghi những tấm hình. Tôi không biết trong vô số những nhà cửa, kho bãi, phòng ấp, chấm phá màu ngói đỏ, nằm nghiêng nghiêng theo triền núi, có một lính bảo an . Cuốn phim 12 pose vừa chụp xong, thì toán lính với súng đạn lên nòng bắt đi, với tội danh đưa tin cho Việt Cộng.

Đồn lính nằm cheo leo gần đỉnh núi, có nhiều đường mòn đi xuống những khu khai thác, những nhà cửa, văn phòng… Đêm khá lạnh, về khuya gió chao đảo, gào thét đuổi nhau trên ngàn cây nghe rờn rợn. Tôi co ro trong chiếc sơ mi, nằm ké trên giường làm bằng cây củi lồi lõm của anh lính, không làm sao chợp mắt, thao thức, buồn buồn và chờ sáng.

Buổi sáng, đứng trước đồn nhìn xuống, còn thấy những mái ngói đỏ, những mái tole long lanh. Quay vào trở ra, như có một màn ảo thuật, tất cả đã chìm trong màn sương khói bồng bềnh, trắng xóa, như tan biến không còn thấy gì…

Hơi ấm, mặt trời lên, tất cả hiện nguyên hình như cũ.

Tôi được gọi vào phòng, đứng trước chiếc bàn cũ kỹ, trên để mấy khẩu súng lưỡi lê, mấy cuộn dây thừng. Anh trung sĩ, hình như đồn trưởng, trấn áp bằng một bạt tai tóe lửa, rồi thao thao những cái tên, địa danh. Tôi mù tịt… Có gì mà khai, chỉ thấy cảnh đẹp và chụp, thế thôi…

Sau hai đêm lạnh buốt trên núi Nông Sơn, tôi được áp giải về Hội An.

Vừa nhìn thấy tôi, ông đồn trưởng cười khật khật và nói: thằng này mà V.C gì, ở trước nhà tao mà. Thôi về đi. Tôi nói: Dạ còn chiếc máy ảnh và cuộn phim. Ông ta nói to: Thành, trả máy ảnh lại, còn cuộn phim để tao rửa xem V.C chụp gì, rồi anh cho lại em. Ông cười: V.C còn đòi tài liệu. Dạ, còn cái bạt tai. À, cái này hãy đón xe lên đồn mỏ than Nông Sơn mà đòi, hoặc nghe theo lời chúa dạy.

Điều này, hẹn 4 năm không muộn, đại úy.

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Nam Khương

14.9.2008 (15.8 – Mậu Tý)

Nam Khương

Đúng vào dịp Trung Thu, con được 3 tuổi +. Ông 72, ông phân vân còn gặp con bao nhiêu lần, con cao lớn độ nào, ngoan chứ?

Thời gian điểm màu trên tóc, làm sao mà biết phải không con. Đó là quy luật. Đừng tham lam và đòi hỏi, chấp nhận như Nikos Kazantzaki. Ừ, ông không viết cho con bây giờ. Đúng vậy, lúc nào đó mà thời trẻ của ông – chiến tranh; thời trẻ của bố mẹ con – ô nhiễm môi trường, tham ô lãng phí dẫy đầy xã hội. Cả nước đang chống tham ô lãng phí, xây dựng môi trường. Hy vọng thế hệ con, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, dũng khí, loại bỏ tất cả ung nhọt của xã hội, xây dựng một quê hương Việt Nam giàu mạnh, là con rồng của thế giới vẫy vùng, vươn cao. Lúc đó, linh hồn ông Nikos Kazantzaki nhìn thấy và la lên: Ôi, Việt Nam tuyệt vời, như đã nhìn thanh niên Nhật năm nào. Ông hy vọng lắm, như thế.

Con 3 tuổi + và ông 72 tuổi rồi. Ông nhớ rất nhiều về Nikos Kazantzaki, nhưng ông chỉ ghi một dòng cho mình: Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.

Con 3 tuổi + và ông 72 tuổi rồi. Có bà, bố mẹ và hai cô, ông không lo âu, không vướng bận cơm áo gạo tiền. Ông sống rất tốt, rất vừa lòng, cuộc sống tầm thường, nhưng lắm ông già mơ không có.

Con 3 tuổi + và ông 72 tuổi đời.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

Con gái

Có bài "Con trai", hẵn phải có bài "Con gái". Papa viết cho hai cô con gái và cả con dâu rất dài, thế mà con út chẳng chịu post lên, bảo cất vào sổ tay cho riêng tư chút ít. Thôi vậy!

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

Con trai

Ba mẹ lập gia đình muộn, nên con không đo tuổi mẹ cha. Tuổi thơ con cũng ham chơi như mọi trẻ, từ lớp 10 mới ý thức việc học, cả lớp cá biệt nên nhà trường đã giải tán, tản mác vào mọi lớp, thế mà bây giờ thỉnh thoảng cũng gặp nhau.

Con ra trường theo ngành viễn thông ở Buôn Mê, nơi đấy đã giúp con sưu tầm được nhiều thuốc chữa bệnh cho mẹ. Ba mẹ già nhiều bệnh, nào bao tử, thoái hóa chân, cao huyết áp, tim mạch và bao nhiêu bệnh cứ âm ỉ trong thân xác.

Bệnh tình mẹ có khá hơn, đã đi lại được nhưng chưa thuyên giảm, dù mật ong, mật gấu, gân nai, cao trăng, cao hổ cốt, phấn hoa, sữa ong chúa, nghệ đen và vài ba loại cây cỏ gì đó, thỉnh thoảng con gởi về. Có một chai rượu rắn, tanh tanh, khó uống. Đau lưng quá, ba cố gắng uống mỗi bữa cơm một chung nhỏ, lưng thỉnh thoảng vẩn còn đau nhưng viêm xoang mũi thì bớt.

Con trai vẫn luôn lo nghĩ đến bệnh tật của ba mẹ.

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Con muốn ở Sài Gòn 1 tỷ ngày

16.8.2008

Thế là hết bốn ngày ba đêm. Sáng nay 4 giờ, gia đình Nam Quốc đã về đến nhà ở Buôn Mê Thuột.

Nhã Tâm có 3 đêm ở SG, 1 đêm ngủ với ba mẹ, 1 đêm ngủ với bà nội, 1 đêm ngủ với 2 cô, sòng phẳng công bằng, như cái công bằng với mọi người thời 9 tháng tuổi mà ông đã nói trong tập “Hành trình vui vẻ”.

Nam Khương vừa tròn 3 tuổi, nên chạy nhảy vững vàng, cả múa lân cũng giỏi. Đoạn phim múa lân cô Lan Nhã quay mờ mịt, lân thiếu pháo rồi…

Ba ngày ở SG, hai chị em cũng đã đi Suối Tiên, siêu thị, nhà sách, đi mua giày dép, áo quần, sách truyện…

Ba ngày có hai bé nhà bỗng rộn ràng, ồn ào vui nhộn, tiếng cười át cả ti vi.

Có tiếng khóc Nam Khương một sáng ngày rằm thức dậy không thấy mẹ. Mẹ và bà đã đi chợ, lỉnh kỉnh những món cho mâm cơm cúng rằm tháng bảy.

Tám người, phải kê hai bàn, không thịnh soạn, nhưng cũng có tôm sạch từ Bến Tre mang về, gỏi vịt cô LN mua, món ăn Nam Khương nhìn và nói: “Con ăn cái này giỏi lắm.” Nói rồi, ngồi lặng lẽ, chờ đưa đến tay, ăn một cách từ tốn, không giống các bé ông thường gặp. Lối ăn của Nhã Tâm, Nam Khương khác mấy đứa trẻ con trên các vùng ông đã đi qua.

Chiều nay, Nhã Tâm đã gọi về SG, nói với cô LN: lúc về đến nhà con đã xách một gói đồ to. Ba bận, mẹ bận, con cũng bận, chỉ có em Khương là không làm gì hết, còn rủ bạn về cả nhà, la phá nữa chứ.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

Tuổi Trẻ và Báo chí công cụ

Tuổi Trẻ & Báo Chí Công Cụ (copy từ blog Osin)

Khi tôi viết entry “Có lẽ cụ Chủ tịch không biết”, một phó giám đốc sở Văn Hóa Thông tin nói tại giao ban báo chí rằng: “Tác giả bài viết này chắc là một người bất hiếu vì dám phê bình cha mẹ”. Theo như cách nói của vị phó giám đốc sở ấy thì, trong một quốc gia, Chủ tịch nước cũng phải được coi là “phụ mẫu”. Tôi đã không kiện vị phó giám đốc sở kia về tội “mạ lị”. Vấn đề cá nhân bị xúc phạm chỉ là một phần, nhận thức của các quan chức về “chính quyền” mới là một lỗ hổng khó có thể lấp đầy ngay được.

Tôi nhắc lại câu chuyện này, chỉ để nói rằng, đi tìm nguyên nhân các nhà báo bị rút thẻ trong tình hình hiện nay, thực ra, là một việc làm không cần thiết. “Cha mẹ”, rõ ràng, đã hết kiên nhẫn khi nhìn đám “con cháu” đi ra khỏi tầm “gọi dạ, bảo vâng”. Sự trừng phạt, nhân một vài câu nói được cho là hỗn hào, cũng là điều dễ hiểu.

Ở các quốc gia tiến bộ, các cơ quan đã nắm trong tay các nhánh quyền lực nhà nước thì thôi không nắm truyền thông. Thậm chí các đảng phái cũng tránh công khai ra báo. Cho dù vẫn có những cơ quan truyền thông trực thuộc chính phủ, chính phủ ở những quốc gia ấy, cũng không thể cư xử với các cơ quan báo chí đó theo kiểu “con cháu trong nhà”. Hãng BBC được lập ra bởi nhà nước Anh, hàng năm BBC nhận từ Chính phủ một khoản ngân sách hơn 4 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, BBC vẫn có quyền chỉ trích cả Nữ Hoàng và Thủ tướng. Vì, 4 tỷ đó không phải của Nữ Hoàng mà là tiền của nhân dân Anh đóng góp, Chính phủ chi để thực hiện quyền của nhân dân về ngôn luận tự do.

Ở ta, theo con số mà Bộ Tài chánh công khai, chỉ riêng phát thanh và truyền hình, một năm, ngân sách phải chi hơn 1.300 tỷ (không có con số ngân sách chi cho báo Nhân Dân và hệ thống báo địa phương). Rất nhiều quan chức nghĩ rằng, 1.300 tỷ ấy là tiền của mình, những cơ quan báo chí đã nhận “tiền của mình” mà đi “phê mình” thì thật là “không đạo lý”. Phương pháp tư duy ấy, được các quan chức áp dụng ngay cả với những tờ báo không hề nhận từ ngân sách một đồng xu nào. Chúng ta không thể tranh cãi điều này mà phải sống chung với nó. Nếu như ở một quốc gia nghèo đói, vực dậy dân trí khó khăn ra sao thì ở một quốc gia chưa có dân chủ, cải thiện quan trí lại là một việc muôn phần nan giải.

Nhiều người, rất dị ứng với vai trò “công cụ” mà báo chí Việt Nam đang gánh trên vai. Nhiều người khác lại cho rằng, xét cho cùng, báo chí ở trong thể chế nào cũng đều là công cụ. Vấn đề là khi dùng báo chí, chính quyền phải ý thức là họ đang sử dụng một công cụ truyền thông. Uốn nắn báo chí tới mức làm cho nó méo mó, không còn gánh vác được trách nhiệm của một phương tiện truyền thông thì không những uy tín của báo chí cũng hết mà sự tôn trọng vào chính quyền, cho dù vẫn được tung hô, cũng hết.

Quan sát Tuổi Trẻ, với tư cách là một bạn đọc, nhiều người nhận thấy, Tuổi Trẻ chính là một trong những thành trì cuối cùng của Chủ nghĩa xã hội. Chỉ lấy ví dụ: avatar ưa thích của Bùi Thanh (nhà báo vừa bị rút thẻ tuần qua) không phải là Bush hay Clinton mà chính là Che, một thần tượng của những người cộng sản. Ai đã từng đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sẽ thấy trong đó bi kịch của một người con gái đã chôn vùi tuổi xuân của mình với không ít đắng cay. Nhưng, Tuổi Trẻ đã biến Đặng Thuỳ Trâm thành ngọn lửa rực ngời lý tưởng.

Xét về mọi phương diện, Tuổi Trẻ đã công cụ đắc lực hơn hẳn nhưng gì thuộc về công cụ của chế độ này. Thành Đoàn, một cơ quan từ lâu đã bị hành chánh hoá, tự thân không có nhiều hoạt động thu hút thanh niên. Trong khi, chất “lửa” mà tờ Tuổi Trẻ tạo nên, đã tập hợp được đông đảo giới trẻ xung quanh những lý tưởng mà tờ báo này khởi xướng. Đọc tờ Tuổi Trẻ, đọc Bùi Thanh, và quan sát cách cư xử với Bùi Thanh và tờ báo này, nếu có nghi ngờ gì về chất cộng sản thì chỉ có thể nghi ngờ ở chính tổ chức vẫn tự nhận là của thanh niên chứ không phải ở Bùi Thanh hay tờ Tuổi Trẻ.

Nếu Thành Đoàn thực sự cần sự ủng hộ của thanh niên thay vì sự vừa lòng của “các chú, các anh” thì tổ chức này sẽ không tìm được ở đâu một chỗ dựa tốt như Tuổi Trẻ. Tương tự, chính quyền sẽ không bao giờ có được những công cụ đích thực, giám sát các cấp đi đúng quỹ đạo của mình, hạn chế tham nhũng và những việc làm mất uy tín với nhân dân, nếu mất đi “lửa” của những tờ như Tuổi Trẻ.

Cái thời, sử dụng ban tuyên giáo để nhắc nhở báo chí hình như đã qua, các tổng biên tập gần đây thỉnh thoảng lại bị triệu tập bởi những cơ quan chính quyền không hề có chức năng trông coi báo chí. Có nhiều sự việc báo chí phải lên xuống giải trình chỉ vì thắc mắc của một “đại gia”. Tin nổi bật trên trang nhất của tờ Tuổi Trẻ gần đây thường là “điểm thi” rồi “thủ khoa”. Tin các nhà thầu Nhật khai đã hối lộ 820 nghìn USD cho một quan chức ta thì nhân dân phải đọc trên BBC, một cơ quan được coi là “đài địch”. Lời khai của các nhà thầu Nhật chưa hẳn là chính xác và cho dù chính xác thì cũng chưa chắc đã còn chứng cứ để có cơ sở buộc tội quan chức nói trên. Nhưng, “lời khai” đó đã trở thành tin, nếu “tin” không được truyền thông thì dân chúng sẽ rất hoang mang, và lòng tin vào những quyết tâm chống tham nhũng khó lòng mà củng cố.

Ngay cả ở những quốc gia mà chính quyền được lập không bằng lá phiếu của nhân dân thì uy tín với nhân dân vẫn là một điều hữu ích. Tuổi Trẻ, cũng giống như nhiều tờ báo khác, trong những phút giây “nhiệt tình cách mạng”, đã có những bài báo mà những người viết tin là họ đang góp phần đấu tranh với tham nhũng. Các quan chức chính quyền có thể không thích điều này nhưng cũng đừng nên quá lo. Những phóng sự do phóng viên độc lập điều tra gần như càng ngày càng trở nên thiếu vắng. Chất liệu điều tra vẫn chủ yếu đựơc “xì ra” từ các cơ quan nằm trong tầm kiểm soát. Khả năng “chống tham nhũng” của “báo chí công cụ” hiện thời, rất khó có thể chạm tay được vào tham nhũng thật. Sự năng nổ của báo chí, cũng giống như các thanh niên xung phong đứng ở ngã tư, chủ yếu chỉ nhắc nhở được những người ngay và khiến cho những kẻ gian không lộng hành lộ quá.

Đa số những tờ báo mà chính quyền hiện thời đang ra tay chấn chỉnh, đều tự hạch toán kinh doanh, có những tờ báo đã nộp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước. Những tờ báo ấy từ lâu đã sống và phát triển bằng tiền bạc của nhân dân, nhưng trên thực tế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân không nhiều lắm. Những tiếng nói thẳng thắn trên báo chí, chủ yếu, làm cho người dân tin tưởng nhiều hơn ở chính quyền và Đảng (về quyết tâm chống tham nhũng và dân chủ tự do). Niềm tin mà báo chí tạo ra ấy đôi khi đã giúp “xả” những ức chế trong dân và “tháo” được rất nhiều “ngòi nổ”. Những niềm tin như vậy, liệu có còn không khi mà sau đợt xử lý báo chí hiện nay, chỉ còn lại những tờ báo chỉ biết cúi đầu ngoan ngoãn.

Nhiều bạn đọc ở trong nước, những bạn đọc đang sống ở bên ngoài có thể sẽ coi bài viết này của tôi là bồi bút. Đúng là tôi đã chỉ ra đây những tổn thất của chính quyền thay vì những tổn thất của đồng nghiệp và nhân dân. Tôi sẽ không giải thích, tôi viết bài này khi biết tin Bùi Thanh, người sau khi bị cách chức Phó Tổng biên tập Tuổi Trẻ, bị rút thẻ, vừa nhận được quyết định phân công về phòng quảng cáo làm nhân viên phát triển thị trường. Bùi Thanh, một nhà báo vào hàng giỏi nhất Việt Nam, một nhà báo luôn hát khúc tráng ca “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/Bàn tay son sắt dâng cao ngọn cờ…”, giờ đây, được phân công đi làm quảng cáo.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2008

Đừng lưỡng lự

Đừng lưỡng lự

Em cứ về đường số 3 rộng mở

Thênh thang chiều gió Đô thành

Nắng tắt rồi phố xá màu xanh

Như có rượu nồng lòng nhân thế

Em cứ về cổng Nguyễn Hiền luôn sáng

Tóc vẫn xanh môi thắm mắt cười vui

Như cho anh chút cay đắng ngậm ngùi

Của cà phê đêm Sài Gòn lộng gió

Em cứ về, anh bên lề lặng ngắm

Áo trắng bay e ấp chiều sắp mưa

Em cứ về như hò hẹn mùa xưa

Đèn xanh đỏ Sài Gòn luôn gợi nhớ

Em cứ về cho lòng anh hăm hở

Phút chia xa còn lại ở mắt nhìn

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2008

Đêm dạ tiệc hay sức mạnh của tài phiệt

Sau đêm 14.7. 2008 tôi đã đọc Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ nữ, Người lao động, không có báo nào đưa hay có bài về sự việc, chỉ có Thể thao – văn hóa với bài vụ hành hung phóng viên của Trần Hoàng Nhân và Bá Hưng.

Trên Sài gòn tiếp thị có bài: hoa hậu và cú đấm của con rể bà Tư Hường của Huy Đức và báo Tiền Phong. À, trên Pháp luật điện tử có bài rồi gở xuống. Blog thì đầy đủ, có một blog ghi cú đấm của tên côn đồ.

Thế nhưng bà Tư Hường thì bảo: vô tình chiếc nhẫn chạm vào mặt, và ngôn từ vô giáo dục của cháu ngoại 16 tuổi. Theo bà là tại giáo dục ở Canada, không hiểu văn hóa Việt Nam. Người dân Canada nghe thì sao nhỉ? Nhung dù sao bà Tư Hường cũng giàu và có thế lực quá đấy chứ…

21.7.2008

Hôm qua trên tờ Tuổi trẻ có tin: Hội nhà báo Việt Nam có công văn gởi công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị xử lý nghiêm những đối tượng đã cản trở tác nghiệp, xúc phạm, sỉ nhục và hành hung gây thương tích phóng viên Minh Quốc của báo ảnh Việt Nam.

Tôi thường xuyên đọc Tuổi trẻ, còn Thanh niên, Người lao động, Thể thao văn hóa, Phụ nữ thì lướt qua, bởi mắt kém và ít thời gian.

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

Đối mặt với tử thần

29/6 đám cưới Châu, con bác Khang. Buổi chiều, mẹ, LT và LN sữa soạn chờ 18h30 là đi. Ba mẹ con chụp những tấm ảnh. Ta hẹn lúc về, áo quần chỉnh tề, ta sẽ chụp…

19h, ta làm mọi việc lặt vặt trong nhà. Ta nhớ hình như 20h kém, ta choáng váng, quay cuồng nhà cửa, đứng không vững, ta phải bám vào bàn vào vách, chung quanh như động đất, như sóng thần, điều từ xưa đến giờ chưa gặp. Bám theo vách, cố không té, đến được bàn nước, rót ly nước cũng chao đảo, không trọn vẹn, lấy được viên thuốc cũng khó khăn, bỏ miệng, uống nước, nhà cửa quay cuồng. Ráng đến đi-văng, nhưng tới giường, té ngã, nằm dài, xuôi thẳng hai tay, hít vào thở ra, mắt nhắm. Mở mắt ra, mọi vật quay mồng mồng, mồ hôi vã ra như tắm, không xoay chuyển được, chỉ cố lấy hai tay lau, muốn tắt đèn nhà trước cũng không được.

Ta nghĩ: lúc này mà chết thì cuối cùng không gặp được ai. Mọi người về, làm sao vào nhà phút chót, không nhìn thấy vợ con, gia đình Nam Quốc. Nổi buồn kéo về, chỉ có bóng dáng vợ con. Ta cũng không thể viết được gì, miên man ý nghĩ… Ta còn tỉnh, còn tỉnh. Phút này mọi người về, ta cũng không làm sao mở cửa được.

Thuốc thấm từ từ. 21h, nhà cửa không còn đua nhau mà chạy, ta vẫn nằm yên.

Chín giờ hơn, Linh Thoại gọi cửa, ta chầm chậm ngồi dậy, tạm ổn, cửa trước, mẹ và LN gọi.

Tốt rồi, không sao, vẫn tồn tại với đời này.

Lúc đo huyết áp, reo 5 lần, muốn bổ nhào, không xem được, sau rồi mới biết 24/13, thật nguy.

Quá nhiều suy nghĩ. Ta vẫn còn nhớ như thường nói với các con: Sinh – lão – bệnh – tử - đó là điều tự nhiên của tạo hóa, đó là quy luật, hãy bình tâm nhìn vào tương lai.

Và Lan Nhã, con hãy vững vàng lên, đừng phiền muộn.

Nam Quốc và Tường Vy hãy an ủi các em.

Nhã Tâm, Nam Khương không còn gặp ông nội rồi.

Bây giờ thì khác rồi – gia đình ta vẫn đoàn tụ và vui vẻ.

Thế à, ta lại cười.

Ngày đầu tiên của tháng 7, nắng lên và đời vẫn thường.

Hạnh phúc

Với tôi, hạnh phúc rất nhẹ nhàng, rất gần gũi.

Trong bữa cơm đoàn tụ, đạm bạc hằng ngày, tranh luận vài vấn đề trên nhật báo, vui vẻ và hạnh phúc.

Tối thứ 6, con gái về bảo: con nhớ mà, đây tiền nhuận bút của mẹ, của em và con, cũng rộn ràng hạnh phúc.

Đọc một bài thơ, xem một quyển sách thích thú cũng hạnh phúc lắm rồi.

Mua một tờ vé số, biếu hai người bán tàn tật, cũng hạnh phúc.

Sau lúc lau nhà, ngồi dựa ngữa trên ghế, gác hai chân trên một ghế khác, uống ly cà phê, một hộp sữa đậu nành, bên chiếc quạt quay vù, cũng hạnh phúc lắm chứ.

Hạnh phúc luôn ở bên ta, còn tha nhân, hạnh phúc ra sao không rõ …

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2008

Entry for June 15, 2008

Mong có tiếp những phim hay

Xin cảm ơn những người viết kịch bản, đạo diễn và diễn viên đã thực hiện bộ phim truyền hình Chạy án. Cảm ơn tất cả đã cho chúng tôi một cảm nhận mới đầy súc tích về phim truyền hình VN. Tuy bộ phim còn nhiều chỗ chưa thuyết phục, diễn viên trẻ diễn xuất đôi khi còn gượng ép, song bộ phim nói chung đã thật sự khiến khán giả say mê theo dõi.

Qua phim, chúng tôi mong rằng sẽ không có một doanh nhân VN nào ngoài đời chịu nhiều xiềng xích như Lê Thanh - một ngụy doanh nhân bất tài, tha hóa bị đưa ra làm bình phong, để rồi khi còn lại một mình phải đối diện với nỗi cô đơn quay quắt và niềm tủi nhục ê chề. Chúng tôi cay đắng giùm anh và xót thương cho anh. Và chính ở điểm nhấn này, chúng tôi thật sự nhìn lại: đồng tiền và quyền lực thật kinh khủng!

Mong sao phim truyền hình VN sẽ có tiếp những bộ phim phản ánh trung thực hơn, sâu sắc hơn về những tiêu cực của xã hội, về những tệ nạn, về môi trường, an toàn thực phẩm... để từ đó góp phần xây dựng một đất nước VN trong sáng, lành mạnh và văn minh.

Lệ Tâm (Phan Thiết)

* Niềm hi vọng vào công lý

Với một kịch bản hay - phản ánh trung thực những tiêu cực phần nào đã và đang xảy ra trong xã hội chúng ta, Chạy án đã thật sự cuốn hút khán giả màn ảnh nhỏ, khiến chúng tôi có cảm tưởng xem chưa "đã” bởi kịch bản còn ngắn, còn chưa lột tả hết chân tướng những điều nhức nhối mà mọi người dân VN đang đau đáu cả lòng...

Tuy phim kịch tính chưa cao, đẩy chưa sâu vào những dây mơ rễ má đã khiến tiêu cực phát sinh, chưa dám đả thương kẻ xấu bằng những bộ phim Trung Quốc cùng đề tài; nhưng với Chạy án, phim truyền hình VN đã có một bứt phá tuyệt vời, mang đến cho khán giả một "món ăn" mới thật khoái khẩu, một biểu hiện đầy cảm xúc của niềm hi vọng vào công lý.

Văn Việt (TP.HCM)

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

Trở lại Krông Bông

Trở về bỗng nhớ Krông Bông

Nắng vàng trải sáng trên đồng ruộng quê

Bao quanh rừng núi não nề

Nghe hun hút gió tư bề bâng khuâng

Ta đi lòng cũng mặn nồng

Với nhà với xóm với dòng thời gian

Huyện giờ thay đổi nhẹ nhàng

Như lòng người với giang sơn một thời

Yên vui bao phủ nơi nơi

Âm vang trẻ hát những lời đồng dao

Bước đi hồn cũng dạt dào

Thênh thang xứ núi vẫy chào nước non

Nam Chương 30- 4

Ba thế hệ một chuyến đi

(Ghi lại chuyến đi về Phan 23/2/2008)

Ừ, nói du lịch cho nó văn vẻ, cho oai, chứ kỳ thật là một chuyến đi cho cháu nội nhìn thấy biển.

Gia đình con trai từ BMT xuống SG, kéo bố mẹ và hai em gái cùng về quê Phan Thiết, cho hai nhóc Nhã Tâm và Nam Khương biết biển.

Chọn khách sạn Bình Minh với hai phòng nhìn ra biển. Nam Khương cũng biết nhà đẹp. Nhã Tâm thì bảo biển khổng lồ và có nhiều xà phòng quá.

Buổi chiều đầu tiên, Nhã Tâm không dám bước xuống nước. Nam Khương thì gồng mình, nhưng vẫn sợ, lạnh run, phải choàng khăn và ẵm về phòng.

Sáng hôm sau thì Nhã Tâm theo cô Thoại say sưa đùa với biển. Nắng lên tràn đầy vẫn không chịu lên bờ. Lan Nhã thì xắn quần áo, ra vào lên xuống lội nước để chụp ảnh cho hai cô cháu. Bãi biển Phan Thiết không đẹp dù chạy dài theo đường như biển Nhà Trang. Bãi cát không có bóng cây, đồi dương nằm sâu bên trong. Dọc bờ biển dựng những bờ kè cao gần thước để ngăn biển xâm thực, tạo sự trần trụi và thiếu thơ mộng của một bãi tắm. Không lắm du khách như Cửa Đại – Hội An, mà chỉ lưa thưa dăm ba trẻ đùa với cát.

Điểm tâm và dùng bữa ở Bình Minh, không tệ. Các quán thì rộng lớn, thênh thang toàn hải sản.

Trưa mai, taxi 7 chỗ đưa cả nhà đi Tiến Lợi thăm bà con, láng giềng.

Một đêm ngồi ở bàn ăn ngay sát bờ biển. Có gió lộng, có trăng lên. Biển đầy bọt trắng như giải ngân hà.

Ngày cuối cùng ghé chùa Thiền Quang, Bình Quang. Cơm trưa với đại gia đình nhà Liễu Thu. Buổi chiều thu dọn hành lý đến nhà Liễu Thu, Hoa, Đài ở đường Hoàng Văn Thụ. 5 giờ, xe Mai Linh đến, đưa trở lại SG.

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2008

Giữ tâm không bệnh (*)

TT - Đọc Chẳng cũng khoái ru? của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, quả thật rất khoái. Khoái bút pháp rất giản dị nhưng chứa đầy "pháp vị” của tác giả (Thở không chỉ là thở, Nói không được…). Khoái cách "bắt mạch cho toa" một cách hóm hỉnh nhưng thật thân tình (Ngon và lành).

Thích những điều ông viết tưởng như nhẹ tênh mà thấm sâu tận gốc rễ nội tại (Có nghệ thuật ngủ…). Thích cách viết dung dị, đời thường, nhưng ẩn chứa những trăn trở, lo lắng khiến người đọc cũng phải suy ngẫm, bâng khuâng (Cho bệnh nhân, Bệnh và hoạn…, Một cách nhìn mới).

Hơn nữa, những gì ông muốn trao đổi với bạn đọc lúc nào cũng được trình bày bằng một ấn phẩm rất giản dị, vừa đủ xinh, chữ in to đẹp. Nội dung lại được chia ra thành tiểu phẩm ngắn. Đọc không quá "no" mắt, lại không "chật" đầu.

Qua các tiểu phẩm của ông, ta nhận ra bệnh tình của thân và tâm mình, không ít thì nhiều, cũng từ "ba nghiệp sáu căn" mà bệnh (Ai biểu già chi), cũng tại những định kiến, ái kiến mà khổ (Ưng vô sở trụ), cũng ngờ ngợ, lớ quớ mà lầm (Bác sĩ nhà quê). Nói tóm lại, những điều Đỗ Hồng Ngọc viết không lạ, nhất là với những ai đã từng đọc nhiều tác phẩm khác của ông (Già ơi… chào bạn!, Những người trẻ lạ lùng, Nghĩ từ trái tim, Thư gửi người bận rộn, Như thị…).

Ta hiểu ta có thể đã gặp, ta biết rất rõ, nhưng sao các tác phẩm của ông ta đều thấy cần thiết để đọc, cần thiết "bị” nhắc nhở, cần thiết nghe ông "kê bệnh cho toa" mà không thấy nhàm chán chút nào.

Đọc Đỗ Hồng Ngọc để cười sảng khoái, để được thực tập và nhất là để nhận rõ thân có thể bệnh nhưng tâm không được bệnh. Giữ tâm an vui sẽ điều trị được thân bệnh một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Thế "chẳng cũng khoái ru"?

Lệ Tâm

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2008

Tâm lý ngày tết

Những dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩa và rung cảm của mọi người.

Người nước Nam có cái may mắn được gặp một dịp như vậy thường kỳ, vào những ngày nhất định, mỗi lần năm mới âm lịch đến. Trong dịp ấy, tất cả trẻ con Nam Việt, từ đứa giàu nhất đến đứa nghèo khổ nhất, từ đứa tân tiến nhất đến đứa lạc hậu nhất, cùng đồng cảm trong niềm trang trọng mơ hồ, vô danh tính, ồn ào, to lớn, độc nhất, gọi là ngày tết.

Tết, cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn họ đã phải chịu đựng suốt năm qua, và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui!

.....

Được sống đôi ngày trong niềm hoan hỉ chung, tự mình cảm nhận được niềm vui hồn nhiên, vô tư lự mà đặc biệt dễ lây truyền ấy, được hoà nhập cả tư tưởng và tình cảm với tất cả những con người trong nòi giống của mình, quả thật không phải là một niềm hứng khởi nhỏ, và chính ngày tết đem lại cho ta điều đó. Hãy biết ơn ngày lễ ấy!

Trích tiểu luận của nhà văn hóa Phạm Quỳnh – Nguyên Ngọc dịch

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

Có một mùa Xuân

Đó là mùa Xuân năm 1977, hai năm sau giải phóng – thì cứ gọi là xuân theo năm tháng và tiết trời.

Tôi – tên vô sản từ Sài Gòn về Phan Thiết lấy vợ địa chủ, có đất không có tiền. Sinh con đầu lòng được năm tháng.

Sáng mồng 4 Tết được gọi lên xe đi xây dựng vùng kinh tế mới võ su. Thời đó thôn Tiến Hiệp thuộc phường Đức Long, thị xã Phan Thiết. Trong đoàn khá đông, tôi chỉ còn nhớ: Dương, Bình, Ngọc, Lắm, Bảy và ba cô gái Thiệt, Tư, Lý. Trên xe chúng tôi ngồi chật ních, cùng nghiêng qua, ngã lại theo đà xe, cùng tắm bụi đỏ và hít thở khói than xe.

Trời vừa chạng vạng, chúng tôi được thả xuống khoảnh đất cách lộ không xa, chung quanh là rừng cây ngút ngàn. Người cán bộ tập họp giữa cái nhá nhem của đêm và ngày, chập chờn sáng tối.

Có lệnh – các anh ngủ nơi đây, sáng ngày mai công tác.

Thế là: người trải nilon dưới đất, người treo võng. Đêm thật sâu, bầu trời không một vì sao… Có tiếng nói chuyện xì xào, có tiếng thở dài bên tiếng ngáy. Đêm mịt mùng… chỉ còn nghe tiếng gió rít trên rừng cây… vắng lặng… Bỗng dưng từng loạt tiếng đạn lên nòng súng, rồi tiếng quát: nằm yên, nhúc nhích sẽ bắn. Hướng đông, tây, nam rồi bắc, thật bất ngờ, lo sợ, có tiếng “chết rồi, tàn quân”. Làm sao, làm sao, tàn quân thì cũng đành, còn gia đình, vợ con, bọn mình chỉ có cuốc và rựa. Lại tiếng đạn lên nòng súng. Nằm im. “Trả lời, ai chỉ huy?” Im lặng. Một lát sau có tiếng đáp: “Anh cán bộ hướng dẫn đi đâu không biết, chắc trốn rồi.” …Im lặng… “Các anh bị bao vây, chạy trốn là mất mạng.” Ai đó lên tiếng: “Không biết tên cán bộ, chỉ biết anh ta con ông giám đốc.” “Ai con ông giám đốc?” Im lặng… Thật lâu, vài ánh đèn pin lóe lên, gọi tập hợp. Có tiếng nho nhỏ: “Hình như bộ đội.” “Bộ đội sao bắn dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, ai mà biết.

Có lệnh, điểm danh…

Tất cả về chỗ. Thật hoang mang không hiểu. Đêm vẫn đen, râm ran tiếng nói: “Nếu tàn quân bắt đi trong đêm, ai lại chờ sáng. Phe ta, không sao đâu, thôi ngủ đi.”

Đêm giao thừa chờ sáng.

Sáng mồng 5 Tết. Tiếng Bình sang sảng: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi kinh hoàng.” Có tiếng hỏi: “Là sao Bình?” “Có gì đâu, tới địa phương người ta, không trình báo, người ta ghét, bao vây, dằn mặt nhau ấy mà.” Trời ạ, đâu đó vang vang vài tiếng chửi thề.

Lúc này ở quê, ở phố, các em bé háo hức với áo quần mới, người lớn ăn mặc chỉnh tề, đi lễ ông bà, thăm viếng nhau, chúc năm mới – cơm no, áo ấm, mọi sự an lành.

Còn bọn mình nơi đây, bụi đất, vào rừng đốn cây, ngày xuân xa gia đình. Tiếng Ngọc: “Thì xem như đi picnic cho nó sang.” Picnic với chỉ tiêu được giao, mỗi người một ngày 4 cây cột, chu vi 4 tấc + dài 12 mét.

Trong bọn phần đông là dân đi rừng, đến trưa là đủ số, còn phụ họa các bạn gác rừng kia, dân biển nên vật vã với rừng. Buổi chiều lần lượt vát cột về.

Dương vẫn nói mỉa: “Nữa đường trường luật.” Ngọc thì luôn thắc mắc: “Có phải Dương học luật không?” Tôi đáp: “Ừ, Dương năm nhất trường luật Sài Gòn.”

Có một anh tôi không nhớ tên, kể chuyện rất có duyên và hấp dẫn, từ Tam quốc chí, Đông chu liệt quốc, Thủy hử, Hán sở tranh hùng… Bình làm thơ và biên soạn kịch, thích “Ai giết Tần Cối của Phan Tùng Mai”. Bình và Ngọc chơi tây ban cầm, hát nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên. Cặp ca sĩ Ngọc đề cao là Lê Uyên Phươngvà thường nghêu ngao: “Theo em xuống phố trưa nay, khi còn chất ngất cơn say. Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau. Ta sống trong vũng lầy…”

Lắm – sư tổ rừng xanh, chúng tôi thường gọi là Tar zan. Bảy – tài xế xe – 30 ngày đêm nằm đất ngắm trời, tắm mồ hôi, vùi mài bụi đất. 30 đêm đốt lửa, đàn ca, đọc thơ và tâm sự… đã kéo chúng tôi lại gần nhau, thương yêu và giúp đỡ tận tình.

Mới đó đã 30 năm. 30 năm biết bao là thay đổi, những chàng trai đi xây dựng vùng kinh tế mới ngày nào, bây giờ đã già, có người đã qua đời. Và cái đêm mồng 4 Tết năm nào, hẵn không ai quên được.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008

BỞI ĐỌC BLOG THA NHÂN

Khá lâu ta không viết blog, kể từ chuyến về Hội An dịp người chị mất, nhưng trên tập giấy riêng tư ta vẫn ghi.

Nghĩ đến lần về Hội An, ta lại nhớ đến chuyến bay Pacific Airlines, chuyến bay không thoải mái chút nào, có thể nói: hơi buồn.

Kể ra hơn 33 năm mới bước lên cầu thang máy bay. Cứ tưởng một tiến bộ dài, nhưng thất vọng, cũ kĩ, trần trụi. Trong máy bay ghế ngồi bé tí, cứng ngắc (thua ghế xe hơi chất lượng cao), muốn ngã lưng cũng không được, trước mặt chỉ có hướng dẫn áo phao, không một tờ báo, muốn kéo bàn để nước cũng sát vào ngực, lối đi hẹp và không biết bao nhiêu điều nữa, quá tệ.

Nhớ những chuyến bay ngày nào, lối đi rộng rãi, ghế có thể ngồi 2 người, nhấn cần, ghế ngã về sau, nằm dài thoải mái. Trong toilet thoáng, có xà phòng, ngoài cửa bảng có người, không ngoài rõ ràng, không hỏng. Trước khi cất cánh tiếp viên đưa đến kẹo, bông gòn, rồi sao đó cà phê, nước ngọt. Nếu không đúng giờ ăn thì có bánh mì, batê, bánh mì gà.

Mà thôi, cái gì của Pacific xin trả về Pacific.

Hội An những ngày về âm u, xám xịt, trên những đường phố lở lối, gồ ghề, các ngã đường vào chợ bị những người giữ xe hùng cứ, đi lại vất vả. Trên phố, dân Tây nhiều hơn dân bản địa, dân Tây ăn mặc lằng xằng, xốc xếch, với máy ảnh luôn đưa trước mặt, từng tốp 5, 3 người.

Hội An tìm một tiệm cơm không dễ, nơi nào cũng gặp: mì Quảng, bún, cao lầu, phở và các thứ, nhưng ăn uống cũng an tâm, không lo thuốc trừ sâu, urê, hàn the… và các hóa chất. Cọng giá Hội An bé tí không to như Sài Gòn.

Hội An còn có những người thân, những ngã phố, những tường rêu và những kỷ niệm. Hội An có một con đường mới mang tên Cửa Đại. Dĩ nhiên đi bốn cây số là đến bãi biển. Nơi – mùa hè thật xa, bọn ta thường đi bộ tắm biển vào những ngày chủ nhật, những đêm nằm trên bãi cát, nghe sóng đuổi vào ba, nghe gió rì rào bốn hướng. Nhìn ra xa khơi tít tắp một vòng cung đèn đánh cá như ngàn vì sao lênh đênh, lấp lánh trên biển đen.

Đúng ra những ngày trong tháng 12/2007, ta có viết sau sự kiện ngày 9, 16 và 23. Nhưng đọc nhiều blog của những người trẻ trên mạng viết đầy đủ về Trường Sa và Hoàng Sa. Những hình ảnh đẹp đầy khí thế của Hà Nội – Sài Gòn, và đọc blog của một người thẳng thắn, bất khuất, một chứng nhân thời đại, một tâm hồn yêu nước thật sự, một người tuổi tây 81, tuổi ta 82, một nhạc sĩ, một nhà cách mạng đã vén bức màn cho tuổi trẻ. Ta bái phục, ta không viết được gì.