Thứ Tư, 7 tháng 3, 2007

Một ngày của rừng

Rừng vẫn xanh, gió vẫn đầy, mặt trời lên ấm áp. Nhưng rừng đầy bí hiểm và lâm tặc bủa vây…

* Mẫu đối thoại một lần về Phan Thiết:

_ Vẫn khỏe và tự tại?

_ Em vừa nhậu bên bên villa kia về. Mấy thằng nó bảo em vô tư. Anh thấy em có vô tư không?

_ Không. Em có một chút hiền lành, một chút nóng nảy, một chút trí thức, một chút lãnh đạo và chân thật như người Nam Bộ. Còn trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người ai mà biết.

_ Vâng, anh nói đúng. Trong em biết bao nhiêu là trăn trở, là lo lắng, tất cả đều quy về hai nhóc.

_ Anh thấy tụi nhỏ ngoan đấy chứ.

_ Học được, Anh văn khá, điều này thì không lo. Có vấn đề: tuổi trẻ và con đường trước mắt … Anh ăn bánh đã, bánh làm cho ngày vu quy của V đấy.

_ Hân hạnh thưởng thức trước cả tháng.

* Ồ, phải chăng đó là quy luật. Bởi con đường ai cũng đi qua, cũng chạm đến. Đó là tình yêu.

Nói theo văn thơ Anh: Tình yêu sống muôn nơi muôn thuở. Đời nào, nơi nào người ta cũng bắt gặp. Tình yêu được ca tụng nhiệt tình, sâu đậm, dị kỳ. Có thể nói: Không có tình yêu thì nền văn minh huy hoàng của nhân loại cũng không có. Ai đó đã nói: Bạn chưa đau khổ, tức chưa biết sống. Bởi vậy nên: Arvers có bài thơ tình hay nhất một thời:

“Lòng ta chôn một mối tình

Tình trong giây lát mà thành thiên thu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay”

Với Xuân Diệu thì: Cho rất nhiều, song chẳng nhận được bao nhiêu. Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có lạ gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạc

Bằng mây dìu dịu gió hiu hiu”

Năm đệ tam ta bắt chước Xuân Diệu:

“Em biết cho chăng có những chiều

Nhìn em anh muốn tỏ tình yêu

Nhưng lòng e ngại anh không dám

Đành để trôi theo với quạnh hiu”

Phạm Duy thì “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời…” rồi “Ngày đó có em ra khỏi đời rồi, và mang theo trăng sao đến cuối trời thơ nuối…Ngày đó có kêu lên gọi hồn người. Trùng dương ơi, có xót xa cũng hoài mà thôi…

Trịnh Công Sơn thì: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”, phải chăng ta là đại dương. Còn Hoài Khanh:

“Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng

Thương về con nước ngại ngùng trôi

Những người em gái hôm qua ấy

Ai biết chiều nay có nhớ tôi”

Hay: “Trên tay điếu thuốc chưa tàn

Ly cà phê đắng bàng hoàng đắng cay

Thì em cũng vẫn là mây

Thì em cũng vẫn là cây trơ cành

Hồ Dzếnh:

“Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân

Nhìn trên tay điếu thuốc cháy lụi dần

Anh sẽ bảo: “Gớm sao mà nhớ thế!”

Vâng! Tình yêu là thế đó.

“Em đến em đi buồn anh biếng nói

Ngồi trầm tư ghi nhặt nét đan thanh

Nụ hôn xưa môi anh giờ tiếc nuối

Ánh mắt nào ôi nhung nhớ long lanh.”

(Nam Chương)

“Ta yêu người hay ta yêu ta

Ta yêu ai như yêu cuộc đời

Ôi mắt nai buồn vương năm tháng

Trong mơ ta về trên đôi môi.”

(Nam Chương)

“Em là gái mắt buồn nên thần tượng

Anh chung tình đêm mãi ngồi làm thơ.”

(Nam Chương)

Vâng! Là thế đó. Nên tất cả rồi qua đi …qua đi…. Còn lại ta với kỷ niệm, mà kỷ niệm là những của cải quý báu nhất của con người. Nó sống mãi trong tâm khảm người ta.

Dừng với hai câu của Hà Liên Tử:

“Cuộc đời ừ gió mây trôi

Ai đau mà xót ai mời mà thương.”

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2007

Xê dịch - viết cho con trai

Việt Nam – nơi đâu cũng là quê nhà. Nhưng ba vẫn chạnh lòng bởi Vy – công việc cơ quan và hai bé – một mình, vất vả đấy.

Ở đâu vẫn cố gắng, phấn đấu và vươn lên.

Con hãy nghiệm câu danh ngôn của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Với ba, ba vẫn tin con, như vẫn tin.

Cùng đi, có bạn bè nào không, hãy mỗi con? Ta hồn nhiên, tự tại và hòa đồng – rồi sẽ có những bạn hiền.

Đừng nhậu.

“Dù không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” hay “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” (Huy Cận và ai đó…ba không nhớ rõ.)

Dù chiều đi, có khói sương bãng lãng, có mây phủ núi đồi, có tiếng trẻ thơ reo cười đâu đó… cầm máy lang thang hay pha trà, ngồi đọc sách.

Đừng nhậu. Cố gắng nhé. Nhậu là một thất bại….là chạy trốn cuộc sống và gia đình.