Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

Đêm trăng trên sông Thu Bồn


Thời đó, Câu Lâu chưa có một cầu, hai cầu như bây giờ.

Những hàng quán trên bến cũng là nhà nghỉ. Tôi ngồi dựa lưng vào vách, lim dim để còn sức vượt đường rừng núi gồ ghề, trên chuyến xe cà tàng đêm Trung Phước.

Chiếc xe Phi Long vừa dừng, mọi người ào vào nhà nghỉ. Tôi mở mắt hai tà áo dài khoan thai nhẹ nhàng bước vào, nổi bật giữa cái khô cằn nắng cháy.

Người lơ đứng bên chiếc Lanrover biến thể la to: Lên xe… Tôi và người đồng hành ngồi bên tài xế, nhìn ra sau hai cô gái đã yên vị. Xe chạy được hai cây số thì banh. Mọi người tản mác tìm phương tiện di chuyển. Hai cô gái đi với bà cụ và hai chúng tôi thuê xe ngựa, ra bờ sông thúc thuyền ngược dòng lên Trung Phước.

Trên thuyền, người đồng hành sau lái, bà cụ khoan sau, trước mui tôi, Thu và Yến, lúc này chúng tôi đã quen nhau.

Trên dòng sông Thu Bồn, thỉnh thoảng gặp một xe nước kết vòng tròn to, bằng ống tre, đưa nước vào ruộng. Những nơi này dòng nước bị ngăn lại để chạy mạnh mới đẩy vòng bánh xe quay, những ống tre nghiêng nghiêng, múc nước đưa lên cao, đổ lên máng chảy vào cánh đồng.

Mỗi lần thuyền qua nơi này ngược dòng chảy xiết, thật vất vả và nước tung tóe, chúng tôi nhích sát vào nhua, câu chuyện càng lúc càng thân mật.

Thu và Yến người Hà Nội sống ở Sài Gòn, dịp hè ra thăm bố ở mỏ than Nông Sơn. Còn tôi, mỗi hè tìm đến một vùng quê, như là du ngoạn. Mà lần này lên nguồn của Bùi Giáng. Thu hỏi: Bùi Giáng là ai? Tôi nói: Bùi Giáng là thi sĩ, họa sĩ, triết gia, dịch giả. Anh nói về Bùi Giáng cho tụi này nghe. Bùi Giáng thì nói bao giờ hết. Đọc vài ba câu của Bùi Giáng nghe nhé:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

Đó là hai câu đầu trong tập “Mưa nguồn”

Ta yêu mến trần gian này mãi mãi

Vì nơi đây ta có cả vui sầu…

Hỏi rằng quê ở nơi đâu

Thưa rằng đã ở từ lâu quê nhà

Sài Gòn chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn.

Bùi Giáng là thế đó. Tôi cũng vừa đọc “Khung cửa hẹp”, “Hòa âm điền giả”, truyện của Anderegita Bùi Giáng dịch. Tôi cũng đọc triết lý Heideger sau khi ông T.T.Đ viết trong tờ Đại học Huế - không có triết lý Heideger…

Cả bọn lại bắt qua Xuân Diệu. Yến nói: cái trăng trong vườn của X.D làm sao đẹp bằng cái trăng thênh thang bồng bềnh trên sông Thu Bồn đêm nay. Thu hỏi: “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” của X.D? Tôi nói: Hàn Mặc Tử. Yến bảo: Của Bích Khê và nói: Em thích Nguyễn Du, tôi rất tâm đắc hai câu của N.D

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không

Anh khôn quá, lợi dụng quá, mà có nằm trong: Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Mai sau dù có bao giờ

Biết lò hương ấy so tơ phiếm này

Hai câu tôi viết trang đầu trong tập “Hồn du tử” của mình. Anh có mang theo tập thơ đó không? Đã kiểm duyệt, cho phép, nhưng tôi không có tiền in. Anh đọc nghe đi. Tôi đọc bốn câu đầu tiên thôi nhé:

Bơ vơ từ buổi lên đường

Vòng tay giá lạnh đoạn trường đó em

Mịt mù đâu một dáng chim

Mười phương hoang vắng đi tìm dáng yêu.

Anh đã gặp cánh chim nào chưa? Có lẽ và tôi hy vọng…

Lúc này có chiếc ca nô chạy vòng tròn, tắt máy ép sát vào thuyền, đón bà cụ và hai cô gái lên mỏ than Nông Sơn. Dìu bà cụ sang ca nô, tài công vội vàng nổ máy… Tôi chỉ còn nghe tiếng Thu chìm trong tiếng máy nổ, số …, đường Hai Bà Trưng.

Chiếc ca nô lướt sóng, hai tà áo dài trắng in trên nền trời nước thật huyền ảo, thật liêu trai…Chỉ còn một vệt khuất dần trên sông trăng, bỏ lại chiếc thuyền bé nhỏ, lênh đênh giữa dòng rộng lớn. Trăng chao đảo, động vành cả bầu trời, nhìn lại phía sau là Hòn Ngang, như chắn lối quay về.

Trung Phước một làng quê với nhà cửa, quán xá xác xơ im ắng của thời chiến. Tôi tìm không được nhà Phước và Luân, bạn học cũng là em của tác giả Mưa nguồn.

Buổi sáng, đứng bên này nhánh sông Thu Bồn, quê hương của Trường Linh thi sĩ, bên kia là mỏ than Nông Sơn. Với chiếc máy Roleiflex, tôi đi qua đi lại tìm góc cạnh để ghi những tấm hình. Tôi không biết trong vô số những nhà cửa, kho bãi, phòng ấp, chấm phá màu ngói đỏ, nằm nghiêng nghiêng theo triền núi, có một lính bảo an . Cuốn phim 12 pose vừa chụp xong, thì toán lính với súng đạn lên nòng bắt đi, với tội danh đưa tin cho Việt Cộng.

Đồn lính nằm cheo leo gần đỉnh núi, có nhiều đường mòn đi xuống những khu khai thác, những nhà cửa, văn phòng… Đêm khá lạnh, về khuya gió chao đảo, gào thét đuổi nhau trên ngàn cây nghe rờn rợn. Tôi co ro trong chiếc sơ mi, nằm ké trên giường làm bằng cây củi lồi lõm của anh lính, không làm sao chợp mắt, thao thức, buồn buồn và chờ sáng.

Buổi sáng, đứng trước đồn nhìn xuống, còn thấy những mái ngói đỏ, những mái tole long lanh. Quay vào trở ra, như có một màn ảo thuật, tất cả đã chìm trong màn sương khói bồng bềnh, trắng xóa, như tan biến không còn thấy gì…

Hơi ấm, mặt trời lên, tất cả hiện nguyên hình như cũ.

Tôi được gọi vào phòng, đứng trước chiếc bàn cũ kỹ, trên để mấy khẩu súng lưỡi lê, mấy cuộn dây thừng. Anh trung sĩ, hình như đồn trưởng, trấn áp bằng một bạt tai tóe lửa, rồi thao thao những cái tên, địa danh. Tôi mù tịt… Có gì mà khai, chỉ thấy cảnh đẹp và chụp, thế thôi…

Sau hai đêm lạnh buốt trên núi Nông Sơn, tôi được áp giải về Hội An.

Vừa nhìn thấy tôi, ông đồn trưởng cười khật khật và nói: thằng này mà V.C gì, ở trước nhà tao mà. Thôi về đi. Tôi nói: Dạ còn chiếc máy ảnh và cuộn phim. Ông ta nói to: Thành, trả máy ảnh lại, còn cuộn phim để tao rửa xem V.C chụp gì, rồi anh cho lại em. Ông cười: V.C còn đòi tài liệu. Dạ, còn cái bạt tai. À, cái này hãy đón xe lên đồn mỏ than Nông Sơn mà đòi, hoặc nghe theo lời chúa dạy.

Điều này, hẹn 4 năm không muộn, đại úy.