Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Hẹn trở lại Buôn Mê Thuột


Hai cháu lớn lên trên vùng cao nguyên đầy nắng gió, với đồi, với dốc, với vùng núi rừng có một loài hoa đã ghi đậm trong tâm trí ông. Đó là hoa dã quỳ, loài hoa vàng rực, sống khỏe và vươn cao giữa sương gió núi đồi, giống như hoa Fuki của Nhật mọc và sống mạnh mẽ trên vùng băng tuyết. Người Nhật tôn trọng Fuki như hoa sen của ta. Mà ông thì nghĩ, Fuki giống như hoa dã quỳ của VN, của cao nguyên.

Loài hoa dã quỳ ở đồng bằng, thành phố ít ai biết. Như người Nhật say sưa với hoa anh đào, chứ ít ai chiêm ngưỡng hoa fuki. Hai lần ông lên BMT là hai lần hoa dã quỳ rực rỡ, rung rinh trong cái gió lạnh của núi đồi, cái gió nghiêng nghiêng ngàn hoa làm nao lòng người.

Vâng, ông hứa trở lại BMT vào mùa hoa dã quỳ nở, loài hoa phong sương chứ không cao sang như hoa thược dược, hoa cúc, không quý phái như quỳnh, trà mi, không đằm thắm trang trọng như hồng. Đó là hoa dã quỳ miền hoang dã, hoa dã quỳ của Tâm – Khương.

Xuân 2013

Có phải mùa thu


Mùa thu đã về, nắng vàng lá đổ, gió heo may rung nhẹ vạn cây cành. Sao Sài gòn vẫn nóng, cái nắng chang chang, gay gắt, cái nóng làm vả mồ hôi.

Hẳn Buôn Mê Thuột mới có mùa thu, có cúc vàng đua nở, có tựu trường áo trắng tung bay. Có áo ai phất phơ ngoài ngõ, gom nỗi nhớ một thời. Ve đã im, phượng đã tàn, hoa súng nở bung tím trong hồ nhỏ. Tuổi thơ vời vợi, nhập nhòa mất hút...

Mùa thu Sài Gòn không có đôi cánh rung nhẹ màu xanh, dưới bầu trời chập chùng. Cũng không có một chuyến ra đi. Bởi mới trở về từ phố núi cafe, Bản Đôn, Hồ Lăk. Nhớ những con đường dịu mát, nhớ chiếc cầu tre nghiêng chao khó bước, nhớ làn nước lăn tăn, chiếc thuyền trôi nhẹ giữa hoàng hôn, vàng đỏ một góc trời. Nhớ những nụ cười trẻ thơ ngồi trên lưng voi bước đi chậm rãi, bình minh trên đồi, núi và mặt trời nặng trịch rung rung dưới nước.

Nhớ biệt thự vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của VN, vị vua ăn chơi, phóng túng, nhưng không ích kỷ, vị vua yêu nước và sẵn sàng từ giã ngai vàng, vị vua “tri thời đạt thế”, vì vua có nhiều giai thoại tuyệt vời hơn Phổ Nghi – vị vua cuối cùng của Trung Quốc.

Thu 2012

Ký ức với Ban Mê


Hồ Lak – Đắk Lắk

Từ Buôn Ma Thuột, chúng tôi đến thị trấn Liên Sơn nằm trên bờ hồ Lak, một buổi chiều vàng nắng. Chúng tôi là gia đình viễn thông Đak Lak, trong đó có khoảng 15 bé con của những viên chức, đi du ngoạn cuối hè. Bên ngoài khách sạn đã có hơn 10 xe của du khách từ Sài Gòn đến trước nên khôn còn phòng cho đoàn chúng tôi.

Nơi đây 19g có lễ hội cồng chiêng  nhưng đông quá, chúng tôi cũng không vào được. Đoàn chúng tôi đến nhà sàn trên đường Yrak – dãy nhà sàn vững chắc dài 32m, 18 cửa sổ, được kê 2 dãy giường đơn, chúng tôi ngủ 2-3 người một giường. Vẫn còn thiếu giường. Các thanh niên phải nằm dưới sàn. Không ai ngủ được với muỗi. ..

Nhà khách có sân rộng, nhiều cổ thụ. Trước mặt là những ô ruộng nhỏ, xa hơn là rừng, bên trái là hồ Lak chảy quanh những ngọn đồi, khá rộng. Chiều hôm ấy, chúng tôi thuê thuyền đi một vòng hồ. Đứng giữa hồ mới rộng lớn của hồ, mà một cô giáo đã nói: hồ này rộng nhất nước.

Hoàng hôn đang tô màu ở hướng Tây. Nhiều điện thoại hướng về phía mặt trời. Những đứa trẻ cũng đưa cao Ipad, có em hình như chưa vào lớp 1.

Nơi đây cũng phục vụ điểm tâm và cafe. Sáng chủ nhật, trẻ em và một số bố mẹ, đi cỡi voi một vòng ven rừng, xuống hồ trên lưng 7 chú voi, tốn 3 triệu đồng.

Buổi trưa có món soup của người dân tộc. Cay, đắng, chát, là lạ. Còn lại vẫn thịt, trứng, cá. Có đến biệt thự của vua Bảo Đại, nằm trên đồi cao, nhiều cổ thụ, nhìn xuống bên dưới là hồ Lak, ruộng và rừng. Biệt thự có người trông nom và bán cafe, phía sau luộm thuộm áo quần phơi.

Đứng trước ngôi biệt thự cổ, chụp một bức ảnh, và ghi :
Ta chiêm ngưỡng những con người yêu nước
Đứng nơi đây hoài niệm giữa rừng xanh
Sông núi vẫn linh thiêng như ngày trước
Mà bơ vơ ai nuối tiếc giữa vô cùng.

Từ Krongbong tới Buôn Ma Thuột

Thật thú vị. Đường lên Krongbong như đi vòng vòng trong thung lũng, quanh co, uốn khúc, cua tay trái, quẹo tay phải, mặt trời lúc phía trái, lúc phía mặt. Con đường như vừa đủ hai chiếc xe con song song, không nhiều lo âu và hồi hộp, xe chạy chênh chênh tiếp cận núi gần núi xa...

Thời tiết Krongbong không giống như Đà Lạt, bởi trung dung hơn, nhẹ thoáng hơn. Một ngày ở KB gặp khí hậu của hai mùa, thu đó rồi hè đó.

Bình minh lên, bầu trời mờ ảo vàng đỏ sau màn sương yên tĩnh, ẩn hiện những ngọn núi xa xa, phủ lớp vôn đẹp như một bức tranh. Cành lá vi vu giữa gió núi mây ngàn...

Hoàng hôn cũng tĩnh lặng phủ một lớp mây khói mơ hồ. Vài trẻ thơ như lạc lõng trên đường làng. Từ những chân núi ra đường lộ có nơi gần nơi xa, nhà cửa hai bên đường thưa thớt.

Trung tâm thị trấn có cơ quan hành chính, viễn thông, ngân hàng, quân đội, nhà cửa quán xá xa cách rời rạc. Những xe gắn máy bụi đất chạy về hướng BMT vội vàng trên con đường xuôi xuôi quanh co uốn lượn.

Trở về TP BMT. Đường rộng, cây cao, bóng mát, thỉnh thoảng bắt gặp hai bên đường những chiếc lộc bình màu gỗ cao hơn đầu người được dùng trang trí cạnh những trụ đèn. Rất nhiều quán cafe, cả những làng cafe như Trung nguyên, Không gian xưa, hội quán Thăng Long, Vị Đắng.. TP của cafe đua nở, cả nhà văn hóa thiếu nhi số 3 Lê Duẩn cũng có cafe Bi Bi – nơi tiện cho gia đình có em bé. Con chơi khu giải trí, bố mẹ, bạn bè uống cafe.

Người dân BMT có thể nói : uống cafe nhiều nhất nước. Hàng quán nào cũng đầy xe, đầy người.

Một TP đang lên, lặng lẽ, vững vàng, đầy triển vọng. 

Hè 2012.

Xuân 2012

Xuân đến, xuân qua, xuân lại qua
Lênh đênh chồng chất tuổi thêm già
Cắm cúi xuân đời bay biến cả
Chỉ còn vương vấn những xuân xa.
Bãng lãng trời sương hoa cỏ bay
Năm nay song thất tuổi thay màu
Tóc xanh nhuộm trắng màu mây trắng
Ngẫm nghĩ xuân tàn xuân qua mau.
2012.

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Những ngày như một phép lạ

Buổi sáng gỡ một tờ lịch. Mồng 1 tết Nguyên đán. Vạn sự như ý.
Rồi mùng 2, mùng 3. Bỗng thương quá những ngày Tết. Những ngày như một phép lạ. Những ngày tuyệt đẹp. Có nắng vàng và gió heo may. Có trăm hoa đua nở khắp cùng và mọi nhà. Những ngày ai cũng được thảnh thơi, vui tươi, ăn ngon, mặc đẹp. Không âu lo phiền muộn và nhận được mọi lời chúc tốt lành.
Nhưng bỗng nhớ mấy câu thơ của Chế Lan Viên:
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
Đâu đó xa xôi, hay rất gần...? Những người nghèo không biết Tết?
Gió xuân thổi về chầm chậm và ngập trời những chiếc lá chao nghiêng trong nắng vàng rưng rưng trải lụa. Những ngày xuân, dù thế nào, vẫn là một phép màu tuyệt đẹp. Vẫn những nụ cười. Những ân sủng. Những chăm chút. Vẫn nghĩ về ông bà gia tộc, trên quê hương hạnh phúc.
Xin chào mùa đông lạnh lẽo đã qua.
10.2.2013

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Nhớ lại

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa
Có lẽ mấy câu thơ trong Một mùa đông của Lưu Trọng Lư. Mà thôi. 18 ký Mây ngàn phương cuối những bài thơ của mình. Đặc san: Hoa đất Việt. Nhật báo: Chính luận. Tuần san: Tiểu thuyết thứ bảy. Nguyệt san: Bốn phương.
Rồi một ngày đến Quảng Trị. Ngẩn ngơ trước một cây cầu. Chỉ một cây cầu mà không qua được. Sao gọi là thênh thang, giang hồ, mây ngàn phương. Và một thời trên nhiều trang báo xuất hiện họ Mây nhiều quá: Mây đầu, Mây tím, Mây bốn phương, Mây lang thang. Thế là thôi không ký Mây ngàn phương mà ký: Lưu Ngọc Nguyễn, cũng có bài ký Sơn Chương. Bởi anh bạn Campuchia ngã xuống, lời cuối gọi tên tôi, hay tên anh...
Tôi chôn chân giữa Sài Gòn. Nhưng không được. Bởi trĩu nặng với những nẻo đường.
Đường nhìn ta đó đi đi bạn
Cất nhẹ thân lên giữa phút này...
Thế là lên đường. Duyên nợ với con số 13. Hồi hộp. Gian nan. Gay cấn. Những rừng cao su. Những địa danh: Châu Thành, An Lộc, Lộc Ninh, Tống Lai Chân, Đồng Xoài, Trảng Sụp, Phước Long, những cái tên không nhớ, và Đức Hòa, Đức Huệ, Long An...
Điểm dừng cuối cùng là Long Khánh, và lật qua một trang đời mới.
Khép lại khung trời mơ viễn cũ
Chôn chân từ buổi hồng hoan ca.
Để ngậm ngùi với nước phèn, bùn đen, lao đao vất vả, những đòn roi thời đại. Mồ hôi đổ nhiều, mà chén cơm ít gạo. Bobo, khoai khô và bắp, trôi theo tháng ngày.
Rời bỏ những đám ruộng, bước chân vào phân xưởng nước mắm... Những đứa con ra đời. Không có tiền nuôi ăn học. Một đứa, hai đứa, rồi ba đứa...
Những đứa con không thôi nghĩ về gian lao, vất vả của ba mẹ. Nên học hành không tệ. Từng đứa, từng đứa có học bổng và đi dạy kèm. Ra trường và có việc làm...Cuộc sống gia đình, mỗi ngày một khá hơn.
Sửa lại ngôi nhà tranh sụp nát, mà trước đó mượn một người bạn “đại gia” có hai gian hàng trong chợ Bến Thành và hai người cháu khá giả mỗi người 5 triệu vào đầu năm 2000. Mà đời rách quá. Nên không ai cho mượn. Vẫn mỉm cười vui vẻ. Bởi biết mình nghèo, ai tin có tiền để trả...
Bây giờ thì không lo cơm áo, gạo tiền, chỉ mong có chút dư để giúp đỡ những người vất vả như mình ngày nào. Ước nguyện đó đã phần nào thực hiện được. Cũng làm vui tuổi già.
Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn bạn bè, cảm ơn những chân tình hàng xóm.
12.2012