Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2007

Ngọn đèn trong ngôi chùa cổ

Ngọn đèn trong ngôi chùa cổ (*)

Chùa ở thôn tôi, ngày ấy, đã cổ lắm rồi, rêu phong theo thời gian phủ đầy một lớp hoang lạnh. Chùa lại nằm sâu trong xóm cát, bên trái và sau chùa là một vùng nghĩa địa dày đặc mồ mả. Dân trong thôn gọi là nghĩa trũng.

Ấy thế mà, hằng năm cứ đến ngày Phật đản, tôi lại đưa ba đứa con nhỏ của tôi lên ngôi chùa cổ ấy lễ Phật. Tôi cũng không sao lý giải tâm trạng của tôi lúc ấy, tôi chỉ biết rằng, nếu mẹ con tôi đi dự lễ Phật đản ở chùa Tỉnh Hội, hay về chùa thầy tôi, thì rất đông vui. Tại những ngôi chùa này, các con tôi sẽ được nhìn thấy lễ Phật đản do các tăng ni và Phật tử tổ chức thật long trọng như thế nào.

Tất cả tăng ni và Phật tử vân tập về chùa Tỉnh Hội với nào là cờ hoa, nhạc lễ… Người người chen nhau vui mừng đón lễ như một ngày hội lớn. Các con tôi rồi sẽ căng mắt, lòng chúng sẽ rộn rã. Tai chúng sẽ nghe bao nhiêu là âm thanh và trái tim chúng sẽ rộn ràng với vô vàn cảm xúc. Thế nhưng, sự lựa chọn của tôi thật là “kỳ cục”. Tôi đã đưa ba đứa trẻ thơ về ngôi chùa cổ, vừa hoang sơ, vừa lạnh lẽo, lại không có một bóng người, trừ một bà vãi già hằng ngày trông nom, quét dọn chùa, chong đèn, thắp hương chánh điện…

Những cánh cửa gỗ của chánh điện chỉ được mở toang ra khi mẹ con tôi về. Trên điện Phật không có một cành hoa, một đĩa trái cây đã đành, mà cây đèn dầu nhỏ cũng không được thắp sáng vì phải để giành dầu thắp vào buổi tối.

Dì Năm, bà vãi của chùa, rất vui khi gặp mẹ con tôi. Dì lúc nào cũng yêu thương và mong mỏi tôi về chùa. Có lẽ sự “ồn ào” của mẹ con tôi làm dì ấm lòng trong ngôi chùa quá ư lạnh lẽo. Rồi năm nào cũng vậy, dì và tôi thắp đèn dâng hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ, bàn thờ đức Quan Thế Âm… Sau đó dì trang nghiêm thỉnh chuông cho mẹ con tôi lạy Phật. Chùa nghèo, dì nghèo, gia đình tôi cũng nghèo… và chúng tôi đón lễ Phật đản chỉ có thế thôi.

Tâm trạng tôi lúc đấy như đứa con đi hoang trở về. Tôi đãnh lễ đức Thế Tôn mà như muốn phủ phục trước tôn dung ngài, đi tìm về một chốn nương tựa để có chút bình yên. Lòng tôi tràn đầy thổn thức, và tôi nghe trong tôi nỗi nhớ đức Thế Tôn đến cồn cào quay quắt. Tôi thầm gọi Ngài, mặc cho nước mắt chan hòa. Tôi đảnh lễ ngài với lòng biết ơn vô hạn. Tôi lạy ngài với sự sám hối ăn năn. Tôi muốn thưa Ngài: sau nỗi nhớ ngài đong đầy trong con, sao con lúc nào cũng mãi là tên cùng tử đáng thương?

Sao mẹ khóc? Mẹ nhớ Phật! Ông Phật này ư? Ừ! Ông Phật này.

Ông Phật của tôi, một tượng Phật bằng đất mà mấy mươi năm qua đã an vị trong ngôi nhà này, đã khắc cốt trong tâm trí tôi mỗi lúc tôi tưởng nhớ, trong nỗi vui buồn. Và nếu như đến ngày Phật đản, tôi không về quỳ trước tôn dung ngài, là tôi thấy mình như có tội, y như tôi không sao gặp được đức Từ Phụ của tôi. Là tôi thấy mình còn ham vui mới về chùa Tỉnh Hội, chùa thầy tôi - những ngôi chùa thật đẹp, thật đông ở dưới phố. Điều đó, tôi nghĩ thật là bất công cho ngôi chùa cổ trong thôn vẫn phải cửa đóng và không ai thấp đèn dâng hương nhân ngày Phật đản. Và cứ thế, mỗi năm vào những ngày vía, tôi một mình cùng với các con tìm về ngôi chùa cổ, ngôi chùa với tuổi thơ vô vàn kỷ niệm thân yêu. Cũng chính nơi đây, tôi kể cho các con tôi nghe về lịch sử đức Thế Tôn, những câu chuyện tiền thân của ngài. Và nơi đây cũng là chiếc nôi chánh pháp cho ra đời bao thế hệ Phật tử. Tôi kể về vị thầy sáng lập ra ngôi chùa này, kể về các sinh hoạt của gia đình Phật tử mà tôi và bè bạn trong thôn đã sinh hoạt từ khi còn là Oanh Vũ đến khi là huynh trưởng.

Cũng chính ngôi chùa cổ này, tôi đã dạy ba con tôi ba điều luật của ngành Oanh: Em tưởng nhớ Phật; Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; Em thương người và vật. Chỉ từ ba điều luật này, tôi triển khai dần theo năm tháng, để nuôi dưỡng các con tôi theo chánh pháp, và khi các con tôi khôn lớn thì cũng là lúc chúng đón nhận đầy đủ những tinh hoa từ kinh sách và những lời giảng dạy của các bậc tôn túc. Tôi chỉ xây cho con tôi một cái nền, các con tôi tự xây cho chúng một ngôi nhà theo quan điểm của chúng. Và cả gia đình tôi luôn tâm niệm không ngừng rắng: đời đời kiếp kiếp nguyện sống trong chánh pháp của Như Lai.

Giờ đây, tôi đã già, bao bệnh tật và vất vả đã khiến nhiều lần tôi bước những bước quàng xiên vào ma đạo “đã là con Phật mà chiến bại trong cuộc chiến với nội ma và ngoại chướng, thì không lạc vào ma đạo là còn gì?” Cũng may, có các con tôi, chúng còn trẻ, còn hồn nhiên trong sáng và đôi lần chúng dìu tôi đứng dậy. Các con tôi, giờ đây là thiện tri thức của tôi, và tôi, tôi giống như ngôi chùa cũ ngày xưa, được các con tôi thắp lên ngọn đèn rực sáng cho lòng tôi ấm lại, xua tan dần những tạp niệm muộn phiền.

LỆ TÂM (Phan Thiết)

(*) Bài mẹ viết tặng ba con yêu của mẹ: Nam Quốc, Linh Thoại, Lan Nhã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét