Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2008

Tâm lý ngày tết

Những dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩa và rung cảm của mọi người.

Người nước Nam có cái may mắn được gặp một dịp như vậy thường kỳ, vào những ngày nhất định, mỗi lần năm mới âm lịch đến. Trong dịp ấy, tất cả trẻ con Nam Việt, từ đứa giàu nhất đến đứa nghèo khổ nhất, từ đứa tân tiến nhất đến đứa lạc hậu nhất, cùng đồng cảm trong niềm trang trọng mơ hồ, vô danh tính, ồn ào, to lớn, độc nhất, gọi là ngày tết.

Tết, cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn họ đã phải chịu đựng suốt năm qua, và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui!

.....

Được sống đôi ngày trong niềm hoan hỉ chung, tự mình cảm nhận được niềm vui hồn nhiên, vô tư lự mà đặc biệt dễ lây truyền ấy, được hoà nhập cả tư tưởng và tình cảm với tất cả những con người trong nòi giống của mình, quả thật không phải là một niềm hứng khởi nhỏ, và chính ngày tết đem lại cho ta điều đó. Hãy biết ơn ngày lễ ấy!

Trích tiểu luận của nhà văn hóa Phạm Quỳnh – Nguyên Ngọc dịch

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

Có một mùa Xuân

Đó là mùa Xuân năm 1977, hai năm sau giải phóng – thì cứ gọi là xuân theo năm tháng và tiết trời.

Tôi – tên vô sản từ Sài Gòn về Phan Thiết lấy vợ địa chủ, có đất không có tiền. Sinh con đầu lòng được năm tháng.

Sáng mồng 4 Tết được gọi lên xe đi xây dựng vùng kinh tế mới võ su. Thời đó thôn Tiến Hiệp thuộc phường Đức Long, thị xã Phan Thiết. Trong đoàn khá đông, tôi chỉ còn nhớ: Dương, Bình, Ngọc, Lắm, Bảy và ba cô gái Thiệt, Tư, Lý. Trên xe chúng tôi ngồi chật ních, cùng nghiêng qua, ngã lại theo đà xe, cùng tắm bụi đỏ và hít thở khói than xe.

Trời vừa chạng vạng, chúng tôi được thả xuống khoảnh đất cách lộ không xa, chung quanh là rừng cây ngút ngàn. Người cán bộ tập họp giữa cái nhá nhem của đêm và ngày, chập chờn sáng tối.

Có lệnh – các anh ngủ nơi đây, sáng ngày mai công tác.

Thế là: người trải nilon dưới đất, người treo võng. Đêm thật sâu, bầu trời không một vì sao… Có tiếng nói chuyện xì xào, có tiếng thở dài bên tiếng ngáy. Đêm mịt mùng… chỉ còn nghe tiếng gió rít trên rừng cây… vắng lặng… Bỗng dưng từng loạt tiếng đạn lên nòng súng, rồi tiếng quát: nằm yên, nhúc nhích sẽ bắn. Hướng đông, tây, nam rồi bắc, thật bất ngờ, lo sợ, có tiếng “chết rồi, tàn quân”. Làm sao, làm sao, tàn quân thì cũng đành, còn gia đình, vợ con, bọn mình chỉ có cuốc và rựa. Lại tiếng đạn lên nòng súng. Nằm im. “Trả lời, ai chỉ huy?” Im lặng. Một lát sau có tiếng đáp: “Anh cán bộ hướng dẫn đi đâu không biết, chắc trốn rồi.” …Im lặng… “Các anh bị bao vây, chạy trốn là mất mạng.” Ai đó lên tiếng: “Không biết tên cán bộ, chỉ biết anh ta con ông giám đốc.” “Ai con ông giám đốc?” Im lặng… Thật lâu, vài ánh đèn pin lóe lên, gọi tập hợp. Có tiếng nho nhỏ: “Hình như bộ đội.” “Bộ đội sao bắn dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, ai mà biết.

Có lệnh, điểm danh…

Tất cả về chỗ. Thật hoang mang không hiểu. Đêm vẫn đen, râm ran tiếng nói: “Nếu tàn quân bắt đi trong đêm, ai lại chờ sáng. Phe ta, không sao đâu, thôi ngủ đi.”

Đêm giao thừa chờ sáng.

Sáng mồng 5 Tết. Tiếng Bình sang sảng: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi kinh hoàng.” Có tiếng hỏi: “Là sao Bình?” “Có gì đâu, tới địa phương người ta, không trình báo, người ta ghét, bao vây, dằn mặt nhau ấy mà.” Trời ạ, đâu đó vang vang vài tiếng chửi thề.

Lúc này ở quê, ở phố, các em bé háo hức với áo quần mới, người lớn ăn mặc chỉnh tề, đi lễ ông bà, thăm viếng nhau, chúc năm mới – cơm no, áo ấm, mọi sự an lành.

Còn bọn mình nơi đây, bụi đất, vào rừng đốn cây, ngày xuân xa gia đình. Tiếng Ngọc: “Thì xem như đi picnic cho nó sang.” Picnic với chỉ tiêu được giao, mỗi người một ngày 4 cây cột, chu vi 4 tấc + dài 12 mét.

Trong bọn phần đông là dân đi rừng, đến trưa là đủ số, còn phụ họa các bạn gác rừng kia, dân biển nên vật vã với rừng. Buổi chiều lần lượt vát cột về.

Dương vẫn nói mỉa: “Nữa đường trường luật.” Ngọc thì luôn thắc mắc: “Có phải Dương học luật không?” Tôi đáp: “Ừ, Dương năm nhất trường luật Sài Gòn.”

Có một anh tôi không nhớ tên, kể chuyện rất có duyên và hấp dẫn, từ Tam quốc chí, Đông chu liệt quốc, Thủy hử, Hán sở tranh hùng… Bình làm thơ và biên soạn kịch, thích “Ai giết Tần Cối của Phan Tùng Mai”. Bình và Ngọc chơi tây ban cầm, hát nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên. Cặp ca sĩ Ngọc đề cao là Lê Uyên Phươngvà thường nghêu ngao: “Theo em xuống phố trưa nay, khi còn chất ngất cơn say. Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau. Ta sống trong vũng lầy…”

Lắm – sư tổ rừng xanh, chúng tôi thường gọi là Tar zan. Bảy – tài xế xe – 30 ngày đêm nằm đất ngắm trời, tắm mồ hôi, vùi mài bụi đất. 30 đêm đốt lửa, đàn ca, đọc thơ và tâm sự… đã kéo chúng tôi lại gần nhau, thương yêu và giúp đỡ tận tình.

Mới đó đã 30 năm. 30 năm biết bao là thay đổi, những chàng trai đi xây dựng vùng kinh tế mới ngày nào, bây giờ đã già, có người đã qua đời. Và cái đêm mồng 4 Tết năm nào, hẵn không ai quên được.