Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2007

Mùa Xuân về với cội nguồn

29 Tết. Tôi về đến nhà khi ánh nắng cuối cùng còn ráng đỏ một góc trời. Hai đứa em tôi chạy ùa ra cổng ríu rít đón tôi. Không biết do khí trời trong lành ở đồng nội hay bởi sắc xuân đang đầy ắp khắp quê nhà, khiến lòng tôi rạo rực và bồi hồi khôn xiết.

Đúng thật ở quê! Bao nhiêu là giấy đỏ mực tàu chữ Phúc, ba và các em tôi đã dán khắp nhà trước giờ đón ông bà. Từ cổng nhà đến cối giã gạo; từ cây khế, cây xoài, gốc mít… đến chạng bếp, cối xay; từ cửa cái, cửa sau đến lu đựng thóc, giếng nước, chuồng trâu, một màu đỏ thắm với đầy đầy Phúc Phúc rộn rã mừng xuân.

Ba tôi đang sửa lại cây nêu cao vút trước nhà nhìn tôi cười đầm ấm. Mẹ tôi vừa châm thêm nước vào thùng bánh tét to đùng ở sân sau, vừa cất tiếng hỏi: “Con về rồi ư? Đi xe có phải chen lấn vất vả lắm không con?”. Tôi nhìn ra vườn, những luống hoa trường sanh, hoa vạn thọ chỉ còn lưa thưa dăm chục, vì hẵn ba đã nhổ vao dâng lên bàn thờ và mẹ đã bán được vài gánh ở các phiên chợ Tết. Chỉ còn luống xà lách mở và cải bẹ xanh nõn nà xanh mướt, trông thật mát thật ngon.

Mùng 1 Tết. 0 giờ. Sau giờ phút giao thừa, ba tôi thắp hương và thỉnh chuông, mẹ tôi và chị em tôi cùng quỳ xuống dâng hương lễ Phật, lạy ông bà và chúc Tết ba mẹ. Sau đó chúng tôi cùng thức với mẹ bên thùng bánh tét. Anh chị em lâu ngày gặp nhau, cười nói huyên thuyên cho đến khi cây củi cuối cùng cháy hết và hương nếp, hương đậu bay thơm nồng vào tận nhà trong.

Vẫn như mọi năm, sáng mồng một Tết cả gia đình chúng tôi đều về nhà tự - nhà của bác Hai - cũng chính là nhà thờ cửu huyền thất tổ, ông bà… Đây là tập tục từ xưa mà dòng họ tôi luôn luôn trân trọng giữ gìn. Mỗi sáng mồng một Tết, giờ xuất hành đầu tiên, dù có tốt hay xấu, tất cả con cháu đều quay về nhà tự dâng hương lễ ông bà. Nhìn đàn con cháu rồng rắn xếp hàng trước cửa nhà tự, từ vai lớn như bác, cô, chú đến con, cháu, chắt chờ đến phiên mình vào lạy ông bà, mừng tuổi người lớn, nói rõ tên mình là con ai, cháu ai giống như điểm danh, khiến bọn trẻ con run lên vì sợ. Ba tôi thì bảo: “Con cháu ở xa, mỗi năm mới đoàn tụ một lần, phải làm vậy để nhìn nhau cho rõ, nhớ nhau cho nhiều, không khéo ra đường ôm đầu đánh nhau”. Nào phải ít, hơn 4-50 đứa, không xưng không lễ làm sao nhớ hết.

Sau những lời chúc Tết, những lời hỏi thăm và con cháu quây quần nhận phong bao lì xì, rồi thì cùng nhau ngồi xếp bằng trên bộ ván dài 6-7 mét, ăn bữa cơm chay vừa mới dọn xuống sau khi cúng. Bọn trẻ con không ăn, chúng bóc vội miếng bánh tét hoặc miếng cốm ngốn đại rồi cùng ùa ra sân đùa giỡn.

Buổi sáng đầu năm, cả gia tộc đoàn tụ, yêu thương, hạnh phúc dâng đầy và cùng hướng về ân đức tổ tiên để cùng cảm nhận một nguồn giao cảm thiêng liêng giữa người sống và người đã khuất.

Vâng, các con đã về, về với cội nguồn, về lại ngôi nhà của gia tộc sau những tháng ngày làm ăn tất bật ở khắp nơi. Nhất là tôi, xa nhà đã 15 năm, hết học rồi đi làm…nên mỗi lần Tết đến là mỗi dịp được quay về với gốc rễ, cội nguồn, với quê nhà của mình. Chỉ có ở đây, tôi mới thực sự được an bình, được yêu thương, được thơ trẻ.

TÂM KHƯƠNG (Phan Thiết)

----Bài tùy bút mùa xuân của mẹ trên TTO, lấy tên hai cháu Tâm Khương làm bút danh----

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2007

Đã mấy mùa Xuân

Đã mấy mùa Xuân không về Phan Thiết

Gởi về đâu một chút Tết riêng tư

Gởi về đâu bao nỗi niềm luyến tiếc

Một thoáng sông hồ cuối nẻo vô ưu

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2007

Xuân Buôn Mê Thuột

Có một cành mai hoa vài nụ

Gọi mùa Xuân lặng lẽ bên thềm

Có một chiều lòng ta bỗng lạ

Nghe hoàng hôn chớm lạnh cả phố đêm.

Sầu đông

Những sợi cước trên đầu

Long lanh ánh sáng

Trở về miền gió cát sầu đông

Trái nhỏ bên thềm mong manh bãng lảng

Dòng sông heo hút gió phiêu du

Trở về căn nhà đâm xa lạ

Mịt mù

Nền đất, mái rêu

Tàn tạ bóng chiều đi

Không còn ai, chỉ còn nỗi nhớ

Tất cả xa rời như mây trắng rất xa

Trở về khu vườn trái cây trơ trụi

Bóng sứ xanh chìm khuất nơi đâu

Còn lại ta tâm hồn cằn cỗi

Thương vô cùng năm tháng đi qua

Lạ lẫm bước chân

Con đường thăm thẳm

Nhà đã thành đường nhựa thênh thang

Còn tim đâu một nơi trú ẩn

Đêm vô cùng

Chìm khuất bóng xanh xao.