Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2006

Mái nhà xưa

Bạn bè của em ai đến thăm, cũng đùa một mái nhà tranh hai quả tim vàng. Còn lũ trẻ ở phố: “A! Tụi bây ơi, ở đây có cái chuồng bò.”

Có lẽ tụi nhỏ nói đúng, vì trước đó một ngày, bác Tư và ta vừa lợp xong mái nhà bằng những liếp rạ được đan dày. Mái rạ chưa kịp cắt bằng, nên rủ xuống lòa xòa không thứ tự và bốn vách nhà cũng chỉ cũng chỉ mới được kẹp vài sườn bằng những cây le xanh mướt. Trẻ con ở phố chắc không bao giờ thấy một cái nhà như thế, nên chúng gọi chuồng bò cũng có lý. Gọi là “lều cỏ của chúng ta” như em thường nói, cũng hay.

Vâng, chỉ là cái lều cỏ của đôi vợ chồng mới cưới, mà ta như con chim tha mồi về làm tổ, phải “tha” từ rừng về nào cột, nào tre, nào le… suốt 4 tháng trời mới đủ để xây một cái tổ 30 m². Lại còn lên ruộng cắt rạ về đan thành từng miếng, thay thế tranh để lợp. Những buổi chiều gánh rạ về nhà, con đường dài hơn 2,5 km, nhưng vì ngược gió nên ta chỉ có thể bước đi từng bước nặng nề, chậm chạp. Đồng trống, gió lồng lộng thổi, gió như muốn lật quang gánh ra phía sau, suýt mấy lần tuột khỏi vai. Gió xoáy thổi hai đầu gánh xoay vòng vòng, khiến ta cũng chuệnh choạng quay theo. Ta phải dang đôi tay, đè mạnh hai đầu gánh xuống vai và có cảm tưởng như ta đang dùng vai và tay kéo gánh rạ ra khỏi cánh đồng gió.

Rồi túp lều cỏ cũng lợp xong, ta lợp, em nhắc ghế cao đưa từng tấm rạ lên nóc nhà. Lúc đó, em đã có thai Nam Quốc được hai tháng, vừa lợp, ta vừa nhắc em cẩn thận, khéo té …

Nhà lợp xong, nhưng mãi vài tháng sau vẫn chưa có tiền mua lá về dừng vách. Mẹ em dùng bao cát may lại thành một tấm bạt đủ che chung quanh cái giường tre vừa mới mua. Còn thì bốn bề trống hoắc, mặc cho trăng sao, nắng gió vào nhà; mặc cho cát bụi và lá vàng thăm viếng; mặc cho những chú sẻ nâu ríu rít trên khung vách và rắn lục bò vào trú ẩn khi trời mưa. Mái rạ khi trời nắng thì nở bung giòn khấu, nhưng khi trời mưa thì se lại xẹp lép nên nước dột tứ bề, dột như ở dưới một tán lá cây. Mỗi lần trời mưa, em chỉ còn biết lật đật ôm gối mền, chun xuống ngồi dưới bàn thờ Phật. Còn ta, loay hoay che chỗ này, hứng chỗ kia. Cũng may, khi mùa mưa đến, ta đã dừng xong bốn vách lá nên cũng đỡ lạnh. Bàn thờ nhỏ, một mình em với mền gối áo quần là chật. Còn ta, đội nón nhìn thềm nhà ướt sủng, loay hoay tìm một góc ít dột nhất để ngồi. Em vừa kêu trời vừa cười đùa với ta. Có lúc cả hai còn đọc thơ để khỏi phải suy nghĩ, để khỏi nghe gió mưa, sấm sét vần vũ ngoài trời. Nhưng, có thật là chúng ta an nhiên tự tại không hở em? Có thật là em không mệt mỏi vì ngồi thu lu dưới bàn thờ với cái thai trong bụng? Có thật là lòng ta không nặng trĩu bởi những hạt mưa rơi? Có thật là em không khóc vì tủi cực? Có thật là lòng ta nhẹ nhàng như những vần thơ ta đọc cho em nghe?

Thế đấy, một tình yêu ta với em nuôi dưỡng hơn 5 năm, một mối tình kỳ ngộ của duyên nghiệp đã đưa ta – một kẻ lãng tử - về với em. Và rồi, lịch sử năm 1975, ông tơ bà nguyệt đã “giam” đôi ta trong túp lều cỏ dột nát này.

Túp lều mà suốt 25 năm, ta cùng em chia sẻ ngọt bùi bởi gió giông nắng táp. Đêm ngủ thấy trăng sao, ban ngày ngắm hoa nắng nhảy múa khắp nền nhà. Từ mái rạ đến mái tranh, rồi lá già, sang lều bạt, sang giất dầu… Hai mươi lăm năm, 12 cây cột căm-xe nhỏ bé vẫn đứng vững thật kiên cường, làm tổ ấm mầu nhiệm cho ba đứa con lần lượt ra đời trên chiếc giường tre mua sau ngày cưới. Những cô mụ đến nhà đỡ đẻ, những tiếng khóc oe oe chào đời từ Nam Quốc, Linh Thoại rồi Lan Nhã. 25 năm ta và em cày cục tất bật để nuôi con khôn lớn nên người. Cho đến đầu năm 2001, Nam Quốc ra trường làm ở Bưu điện Dak Lak được hai năm, Linh Thoại còn vài tháng nữa làm luận văn tốt nghiệp khoa Báo chí, Lan Nhã năm thứ 3 khoa Trung Văn, thì túp lều cỏ tự mục, vài chân cột đong đưa như chiếc võng. Đã đến lúc giã từ nó, xây một ngôi nhà bằng gạch cấp bốn 24 m² bằng sự trợ cấp từ bạn bè của em và Nam Quốc.

Hết rồi những đêm mất ngủ vì mưa. Hết rồi những tấm ni-lon giăng chằng chịt khắp nhà để đỡ dột và đỡ mọt từ giàn le đổ xuống. Hết rồi những lo âu vì sợ trộm đào đất chun vào nhà ăn trộm hết hàng hóa của cái quán tạp hóa nhà mình. Hết rồi cửa lá then cài, giăng lon, giăng thùng ngừa trộm.

Và 2002, Lan Nhã ra trường, tất cả 3 anh em đều có công ăn việc làm ổn định. Túp lều cỏ không còn, ngôi nhà cấp 4 đón thêm một thành viên mới, vợ Nam Quốc – Tường Vi. Ngôi nhà mà chỉ một lần sum họp rồi mãi mãi chia xa…

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2006

Vọng 2

Làm ruộng với tôi cũng giống như người ta ví anh mù sờ voi. Không biết, không tiền, chỉ có hai đám ruộng mấy sào. Mọi công việc chỉ vay tiền thuê trâu, thuê thợ. Công sức là từ tối đến sáng mò mẫm theo một toán người dẫn nước về ruộng (đi ăn nước). Mặt trời lên vẫn chưa có tí nước nào vào ruộng nhà mình, bởi có người đã đắp chận nước lại để cho vào ruộng họ. Thế là ngâm mình dưới mương tát từng thùng nước vào ruộng. Đến mùa lúa chín, không có tiền thuê thợ gặt, hai vợ chồng phải dùng liềm đi cắt lúa chất lên bờ cho trâu đạp. Nhưng số lúa thu hoạch được cũng không đem được một hạt về nhà, vì phải thanh toán tiền thuế, tiền cày, tiền giống…Cuối cùng cũng đành giao ruộng cho hợp tác xã.

Bắt đầu tìm kiếm một công việc để làm. Quốc Doanh nhiếp ảnh với tấm bảng cần một người chụp hình, cần một người sửa phim, cần một người phòng tối. Lúc này, tay nghề chưa lạc hậu, làm được tất cả các việc này nhưng không được nhận vì lý lịch. Đi vòng vòng cuối cùng chỉ có hai nơi nhận việc, đó là công ty vệ sinh và xí nghiệp nước mắm. Thế là chọn làm anh công nhân xí nghiệp nước mắm. Tắm mồ hôi và nước bổi (nước xác mắm). Không dễ dàng gì, về nhà nồng nặc mùi hôi tanh cá mắm, người đi bên cũng khó chịu.

(cont.)

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2006

Vọng...

Vô tình, lạc lối, tò mò hay khám phá, xin mời, dù đây chỉ là khu vườn khô cằn, bé nhỏ, rất riêng tư của "lão nông" 70 nhưng vẫn yêu thương và ước mơ đậm đặc.

Lời 1967:

Tôi sinh ra và lớn lên bên dãy Trường Sơn heo hút, bên dòng sông Thu Bồn dịu ngọt, với 20 năm hơn súng đạn, 20 năm hơn đói rách cơ hàn, đã mất mát quá nhiều; bây giờ tôi chỉ còn muốn nhìn một cành hoa, một tà áo, một mảnh trời trong xanh, để nghe lòng mình lắng dịu những bi thương, khói lửa đã 20 năm hơn mòn mỏi quê hương này.

Lời 1969, với bạn bè:

Ừ, xa xôi lắm rồi, cái thuở bọn mình lang thang giữa Sài Gòn như những chiếc thuyền con bồng bềnh giữa dòng đô thị. Sóng chung quanh thuyền là những tà áo màu xanh, trắng, đỏ, vàng rêu...Mà mưa gió là những đồng bạc nó bắt mình phải tranh đấu. Còn sung sướng hay rách nát là tùy, đó không còn là chiếc chìa khóa mở kho tàng, mà mở mỗi ngày 3 lần, linh tinh và khói thuốc.

Rồi chúng mày lần lượt bỏ đi, để lại tao với bụi bặm Sài Gòn, với thao thức chiến tranh, với âu lo cơm áo, úa mào tuổi trẻ.

1976

Vừa lập gia đình, ở vào cái tuổi nắng xế, lãng đãng, lừ nhừ, ngủ gà ngủ gật bởi vắng cà phê,
thiếu 79 (Seventy night). Với đôi tay trắng, thay gạo bằng bobo, khoai lang, khoai mì, thì ống vố đành vứt xuống sông Cà Ty cho khói bay về cuối bãi đầu gành. Mà vật vã chạy đuổi với từng bữa ăn. Và biết trả lời thế nào nếu có người hỏi: đói, sao lập gia đình? Đành chịu!

Nhưng đó là bóng râm, mà điểm tựa, là nơi cho ta ẩn nấp, để rũ bỏ phong trần, đưa tay sưởi ấm mùa đông. Là thời cho ta chịu đựng để vươn lên, để hòa nhập, thời cho ta thấm nhuần, bình thản của Nikos Kazanzaki, thời cho ta thấm thía Ernest Hemingway, cho ta lớn mạnh như Nietzsche, cho ta là ta - sự trở về trong Andre Gide, trong kinh Phật, trong thi sĩ Do Thái.

(cont.)